“Không ở thêm trong thành phố được một phút nào nữa... Ở là chết, vì hết tiền...”. Đó là lời trong tiếng nấc của người mẹ trẻ tội nghiệp ôm con mới mấy tuần tuổi cùng chồng rời T.P Hồ Chí Minh về quê tận miền Trung bằng xe máy, giữa đêm một ngày cuối tháng 7.

Đương nhiên đây không phải là phổ biến, nhưng chắc chắn cũng không phải là cá biệt ở thành phố có số dân đông nhất cả nước,

trong tình trạng dịch bệnh đang bùng phát, thành phố phải kéo dài thực hiện giãn cách...

Thử hình dung những người lao động tự do, làm những công việc thời vụ kiếm sống hằng ngày; dịch bệnh, cách ly, giãn cách không có việc làm, đồng nghĩa với không có tiền, trong khi vẫn phải ăn, vẫn phải trả tiền nhà, tiền nước, tiền điện, mà tình trạng kéo dài nơi “đất khách, quê người” thì sao không túng quẫn?.

Làm việc với lãnh đạo T.P Hồ Chí Minh, thấu hiểu nỗi khó khăn của người nghèo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đặt mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất lúc này là bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân; giãn cách phải gắn chặt với việc chăm lo đời sống cho người dân, nhất là đối tượng nghèo, yếu thế.

Cuối ngày 31-7, Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong diện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, phải hỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc...

Cứu giúp người nghèo, yếu thế, nhất là đối tượng tạm trú ngoài tỉnh trong vùng dịch bệnh lúc này không chỉ là việc làm nhân đạo mà là trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh, thành phố.

Cách làm là, giao cho từng bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn đến từng nhà, rà từng người, lập danh sách cả có hộ khẩu và không có hộ khẩu báo cáo ngay về xã, phường chịu trách nhiệm quyết định cứu trợ (báo cáo sau), mới kịp thời, đúng đối tượng.

Huy Thiêm