CCB Nguyễn Trọng Thỉnh (bên trái), trong buổi biểu diễn ca trù.
Thuở thiếu niên, ông Nguyễn Trọng Thỉnh ở thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) không cùng chúng bạn, trong các trò chơi mà thường sang thôn Thanh Tương (cùng xã) nghe hát ca trù.
Khi học đến cấp III (Trung học phổ thông) cứ đến chủ nhật, dịp hè, trò Thỉnh lại sang bên đó, nghe những tiếng: "Chát tom, tính tình tang, hồng hồng, tuyết tuyết ...", ngắm kép đàn, trống và các ca nương mà ước mơ. Đang cần người kế cận nên ông Đức bèn kéo Nguyễn Trọng Thỉnh, lại gần chiếc đàn đáy mà mình đang bấm phím, ngỏ ý muốn truyền dạy. Thế là từ đó, ngoài văn bài, Nguyễn Trọng Thỉnh còn học về cung bậc nhạc của ca trù, dần dần được cả ông Vận hướng dẫn cho cách gõ trống chầu.
Năm 1965, Nguyễn Trọng Thỉnh đi thanh niên xung phong. Năm 1968, được tuyển vào Đoàn Văn công tỉnh Hà Bắc (cũ), sau về học tại Trường văn hoá nghệ thuật. Mãn khoá, lại về làm nhạc công. Năm 1972, Nguyễn Trọng Thỉnh xung vào Quân đội. Năm 1976, khi được điều lên làm trợ lý Ban Tuyên huấn Trung đoàn 42, Quân khu Tả Ngạn, chàng "lính đàn" này cho biết: Những dịp nghỉ phép, vê quê lại mân mê dây tơ đàn đáy... để đến năm 1979, ra quân, gỡ "lon Thiếu uý, kép đàn Nguyễn Trọng Thỉnh mới dành thời gian "vực dậy" ca trù cùng với ca nương Nguyễn Thị Thiệt, Nguyễn Thị Kỳ, kép đàn Nguyễn Trọng Lộ... Ngoài là nhân cốt của phong trào văn nghệ hồi đó, cụ Thiệp, ông Lộ, ông Thỉnh còn đi truyền dạy ở Câu lạc bộ (CLB) ca trù Tiểu Than (huyện Gia Bình), huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang). Còn ở trong huyện Thuận Thành, người các xã xa gần cũng đến học như chị Kim Tuyến, cháu Thanh Tân, bà Tỉnh, cô Mai...
Sang những năm 2000, do quán xá, băng đĩa... thời đô thị hoá, thể loại thơ nhạc dân gian - bác học này bị lấn át mà ca trù Thanh Khương: Nơi được ghi trong sử sách cũng bị chìm lắng. Do cụ Kỳ, ông Đức, ông Vận, ông Lộ... đã mất, nên ông Thỉnh tuy bận với phong trào CCB, lại là Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP, vẫn giao phó việc nhà cho vợ con mà gắng gỏi động viên, kết nối với những người còn giữ lửa lòng, để ca trù quê hương lại "đua tiếng" với tân nhạc. Năm 2005, CLB ca trù Thanh Khương chính thức được thành lập, ông Thỉnh là Chủ nhiệm, hai Phó chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Tấc, ông Nguyễn Trọng Nghiễn. Từ khi ca trù Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại (năm 2009), ca trù Thanh Khương trở thành trung điểm (và cao điểm) của phong trào văn nghệ, để lãnh đạo xã công nhận và quan tâm, như một tổ chức chính trị xã hội; cho phép giao lưu, trình tấu: hát cửa đình, tuần tiết, lễ hội... cả những hội nghị, dịp kỷ niệm và khánh chúc trong dân quê.
Từ năm 2017, CLB kiện toàn về nhân sự gồm Chủ nhiệm Nguyễn Trọng Thỉnh, Phó chủ nhiệm là ông Ngô Thế Hường, chị Nguyễn Thị Thi với 18 hội viên, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần vùng quê Nông thôn mới. Năm 2018, các hội viên hăm hở đi học lớp truyền dạy ca trù ở T.P Bắc Ninh. Tuy có gián đoạn trong cao điểm thời đại dịch Covdi-19 nhưng mọi người đều cố gắng. Mãn khoá, đều được cấp giấy chứng nhận (ngày 19-12-2022). Chủ nhiệm Nguyễn Trọng Thỉnh liền báo cáo với xã và được nhận ngay 5 triệu đồng của lãnh đạo để tăng vốn quỹ của CLB. Ban văn hoá thông tin tuyên dương CCB - kép đàn, trống Nguyễn Trọng Thỉnh đã có thành tích: góp phần cho "đặc sản" văn hoá quê hương vang tiếng, qua 7 lần hội diễn ca trù toàn quốc và ở: Lễ hội chùa Bút Tháp, lễ hội Tứ Pháp (vùng Dâu) giao lưu tại Hà Nội, hội "Tiết lệ xuân thu" và đại hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc"... Chủ nhiệm Nguyễn Trọng Thỉnh cùng kép đàn Nguyễn Văn Hưng, kép trống Ngô Thế Hưởng, Nguyễn Văn Thoả rất hứng khởi với cung bậc đàn đáy và tiếng trống chầu, điểm và hoà nhịp với các thể cách ca trù, cả múa bỏ bộ mà các ca nương đang thuần thục cùng sênh/phách có thêm 4 cháu được truyền dạy. Kỳ vọng nhất là Nguyễn Thị Mai Anh, từng được Huy chương Bạc ở một hội diễn.
Một ngày đầu xuân Quý Mão - 2023 các hội viên họp mặt tại nhà Chủ nhiệm CLB. Anh Nguyễn Trọng Phan (từ Trường văn hoá nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh về sum vầy cùng gia đình) bước ra, cúi chào mọi người và bày tỏ:
- Tuy là giảng viên môn nhạc hiện đại, Tây Âu nhưng cháu thường bổ trợ ngoại khoá cho các lớp về nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn đáy mà cái tiếng ca trù quê ta như tiếp thêm vốn liếng! Ở trường, cháu là thầy nhưng mỗi khi về quê, cháu còn là... trò của... ông nội đây! - Nguyễn Trọng Phan chỉ tay về phía ông Nguyễn Trọng Thỉnh. Mọi người vỗ tay ran!
Lê Chính Nghĩa