Bao năm qua cổ đông công ty nghi ngờ có sự tham nhũng, dấu hiệu báo cáo tài chính không minh bạch của ban lãnh đạo công ty…

“Tiền”… tốt, “hậu”… không tốt!

Theo đơn phản ánh của một số cổ đông gửi tới Báo CCB Việt Nam, họ cho rằng trong suốt nhiều năm khi còn là DNNN, lợi nhuận của công ty (Cty) luôn đạt con số gần 10 tỷ đồng/năm. Cụ thể, năm 2005 lợi nhuận hơn 7 tỷ đồng, năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 là khoảng hơn 20 tỷ đồng. Cuối năm 2006, Cty thực hiện cổ phần hóa (CPH) và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2007, nhưng kể từ sau CPH, năm 2008 đến 2010, ban lãnh đạo Cty luôn công bố lợi nhuận đạt con số trên dưới 2 tỷ đồng/năm; mức cổ tức chia cho cổ đông cũng rất thấp. Cty “bịt mắt” cổ đông không cung cấp cho các cổ đông thông tin cần thiết về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh khi có yêu cầu. Tại các kỳ đại hội cổ đông thường niên hàng năm, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo Cty nhưng chỉ nhận được sự giải đáp, giải trình không hợp lý… Chính vì những “mập mờ” đó cổ đông nghi nghờ về tính minh bạch trong hoạt động của Investip kể từ sau CPH.

Đơn kiến nghị cũng cho rằng, từ năm 2005 đến khi đi vào hoạt động CPH, Cty chưa giao nộp số tiền lợi nhuận của DNNN khoảng 27 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Cổ đông lo ngại không biết số tiền này có bị chiếm dụng, sử dụng vào mục đích cá nhân của một số người hay không? Tìm hiểu từ các báo cáo SXKD của Investip, sau CPH, lợi nhuận trước thuế của Investip năm 2008 đạt trên 2,624 tỷ đồng, năm 2009 là 2,134 tỷ đồng và năm 2010 là 1,677 tỷ đồng. Thế nhưng khá lạ là khi làm ăn không thua lỗ mà ban lãnh đạo Cty cứ trây ỳ không chịu nộp trả vào ngân sách số nợ trước CPH?

Vai trò, đại diện vốn nhà nước ở đâu?

Theo quyết định của Bộ KHCN xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, tính từ 0 giờ ngày 1-1-2006 giá trị được xác định là 29,003 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 15,591 tỷ đồng. Thực hiện quyết định thành lập Tổng Cty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN về SCIC; Bộ KHCN và SCIC đã ký biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Investip từ Bộ KHCN về SCIC. Theo đó, hai bên thống nhất giao cho ông Nguyễn Ngọc Song, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đại diện phần vốn nhà nước tại Investip. Đến năm 2010, ông Song tiếp tục là người đại diện 280.000 cổ phần của SCIC (tương đương 35% vốn điều lệ) tại Investip.

Tuy nhiên, thực tế từ khi chính thức đi vào hoạt động CPH (tháng 7-2007), đại diện vốn Nhà nước là ông Song có phần chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao sau đó trong việc đôn đốc Investip nộp khoản tiền đang nợ nhà nước và các lợi ích tài chính khác về tài khoản của SCIC. Số tiền theo thông báo mới đây của SCIC yêu cầu Investip nộp khoản tiền 7,591 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả tính từ thời điểm đăng ký kinh doanh lần đầu về tài khoản của SCIC.

Trong đơn khiến nghị, các cổ đông Investip cho rằng vai trò của người đại diện vốn nhà nước tại đơn vị là rất quan trọng. Ông Song cũng khẳng định: “Với tư cách là đại diện vốn nhà nước, vai trò của ông ở đây chỉ để đòi số tiền về cho nhà nước”. Nhưng thực tế 5 năm qua số tiền của nhà nước vẫn chưa thấy được đòi về…

Cần làm rõ và quy trách nhiệm…

Ngoài số tiền hơn 7,5 tỷ đồng chưa nộp trả Nhà nước, năm 2010, Cục thuế TP Hà Nội “soi” kết quả SXKD năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 tại Investip lại lộ ra nhiều tỷ đồng tổng nữa bị phát hiện vênh so với khai báo của Investip. Theo đó, doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ GTGT của DN vọt tăng hơn 12,9 tỷ đồng (báo cáo là 26,4 tỷ đồng, nhưng qua kiểm tra thì con số là 39,4 tỷ đồng). Số tiền chênh lệch này trùng khớp với những gì cổ đông nghi ngờ ban lãnh đạo Cty “om” lại để chơi chứng khoán tại sàn giao dịch OTC.

Khi được hỏi, ông Song thừa nhận có sự việc đầu tư chứng khoán ở thị trường OTC. Việc đầu tư tài chính đó không thấy xin ý kiến các cổ đông. Tuy nhiên, ông này lại cho rằng, quyết định đầu tư mua cổ phiếu trách nhiệm chính thuộc về ban lãnh đạo Cty thời đó. Nếu theo vị này nói thì nghĩa là người đại diện vốn Nhà nước tại Investip có liên đới trách nhiệm, nhưng ông lại lý giải: thứ nhất ông không phải là người đại diện pháp luật trước Cty; thứ hai ông không ký bất kỳ một giấy tờ nào liên quan đến tiền bạc; thứ ba không ký bất kỳ những cái gì liên quan đến điều hành của Cty… nên không có chuyện có dấu hiệu ông “tham nhũng” ở đây?!

Về số tiền chậm trả vào ngân sách Nhà nước, vị đại diện vốn Nhà nước thừa nhận đến nay Investip chưa nộp số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Bộ KHCN và SCIC cũng có nhiều văn bản đốc thúc Investip nộp trả số tiền về Nhà nước…

“Tới đây vấn đề chậm trả này sẽ được giải quyết triệt để khi kiểm toán nộp báo cáo tài chính. Số tiền nộp trả Nhà nước sẽ khoảng 10 tỷ đồng bao gồm cả tiền lãi, số dư tài chính năm trước... cộng dồn. Và nếu Investip lần này không trả số tiền trên, chính tôi sẽ là người đưa vấn đề này ra tòa án giải quyết chứ chưa cần đến các cổ đông… đề nghị”, ông Song cho biết. Theo lời ông Song nói thì mọi việc sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian tới đây.

Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều cổ đông Investip bức xúc trước sự thiếu trách nhiệm của một số người, đồng thời họ cũng đặt ra câu hỏi là số tiền này thời gian qua nó nằm ở đâu, ai sử dụng vào mục đích gì? Trong trường hợp không kinh doanh mà “áo gấm đi đêm”, “bịt mắt” các cổ đông đem số tiền đó gửi ngân hàng thì số dư “lãi khủng” đã được một số người hưởng lợi. Còn khi SCIC đề nghị Investip nộp trả số tiền đó cho nhà nước, bao gồm cả số tiền lãi trong hơn 5 năm qua thì chính các cổ đông sẽ là người đồng gánh chịu số lãi đó. Bởi vậy, cổ đông Investip mong chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, quy trách nhiệm, xử lý nghiêm minh cho từng cá nhân trong vụ việc “om” tiền này để làm gương. Không thể “quýt làm, cam chịu”!

Doanh Chính