Tìm được, chết liền!
Đây hai việc rất khác nhau. Năng lực vận tải đường thủy chẳng bổ sung được giá trị gì cho chuyện làm phim. Và ngược lại, năng lực làm phim chẳng bổ sung giá trị gì cho chuyện vận tải đường thủy.
Thế thì động lực nào để Tổng công ty Vận tải thủy mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược và duy nhất của Hãng Phim truyện Việt Nam?
Điều được giải thích công khai là “máu nghệ sĩ” của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty vận tải thủy.
Nhưng dư luận thì lại xì xầm là miếng đất của Hãng Phim truyện Việt Nam. Cho rằng đây chính là nguyên nhân đẩy “máu nghệ sĩ” thăng hoa lên đến mức lạnh lùng.
Ví dụ trên cho thấy đất đai có thể làm méo mó động lực của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như thế nào. Vấn đề là nếu tính đầy đủ giá đất vào giá trị của các DNNN thì chúng sẽ trở nên hết sức đắt đỏ. Chẳng có nhà đầu tư nào chịu mua chúng cả.
Nhưng nếu không tính giá đất vào giá trị của các DNNN, thì động lực để mua lại chúng chỉ là những miếng đất mà chúng đang được thuê của Nhà nước. Động lực cổ phần hóa ở đây vì vậy bị méo mó nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đã nhanh chóng bị khai tử để giải phóng những miếng đất vàng cho “chủ đầu tư”. Và nhiều “nhà đầu tư” theo kiểu như vậy đã thắng đậm nhờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có những người đã thắng một lúc hàng trăm tỷ đồng sau mỗi phi vụ đầu tư.
Cách cổ phần hóa mà động lực chỉ là để hưởng chênh lệch địa tô đang để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đất nước.
Trước hết, đó là kinh tế sẽ rất khó phát triển vì các ngành nghề chỉ càng ngày càng bị thu hẹp. Càng ngày càng bị thu hẹp, thì càng ngày càng nhường lại thị phần cho hàng hóa của nước ngoài chiếm lĩnh.
Hai là, đội ngũ các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không được tăng cường, mà ngày càng giảm sút.
Ba là, công ăn việc làm cho những người lao động sẽ rất khó khăn. Nhiều người lao động đã gắn bó với các DNNN nhà nước hàng chục năm trời. Nay doanh nghiệp bị phá sản, họ sẽ bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Những chế độ chính sách được giải quyết là rất nhỏ bé. Tìm kiếm công việc mới là rất khó khăn.
Ngoài ra, bất công và bất bình xã hội cũng sẽ gia tăng. Lý do là vì không người dân nào không thấy rằng đất đai là của toàn dân nhưng toàn bộ chênh lệch địa tô lại chui hết vào túi của tư nhân.
Công bằng mà nói, các DNNN đều thuê lại đất của Nhà nước, vì vậy đất không phải là tài sản của các doanh nghiệp này.
Việc không đưa giá đất vào giá trị doanh nghiệp vì vậy không phải là không có căn cứ pháp lý.
Tuy nhiên, đất quan trọng không phải là kết cấu vật lý của đất mà là vị trí của nó. Ví trí của đất tạo nên những lợi thế rất lớn cho việc kinh doanh. Lợi thế này phải được tính vào giá trị của các DNNN.
Nếu phương án này không được chấp nhận, thì giá cho thuê đất phải được tính đúng với giá trị thật của miếng đất.
Theo phương án nào thì điều quan trọng là phải bảo đảm mức giá mà khuyến kích đầu tư là các DNNN chứ không phải là miếng đất mà các doanh nghiệp này đang thuê.
Chúng ta đang khẩn trương cổ phần hóa DNNN. Điều đó đúng và hết sức cần thiết. Nhưng “người” thực hiện cổ phần hóa phải đứng về phía Nhà nước. Nghĩa là phải rất tỉnh táo, tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn, không khéo sẽ lạc vào bẫy của lợi ích nhóm.
Điều quan trọng là phải có một cơ quan trung gian của Nhà nước (đúng cả với nghĩa bóng và nghĩa đen) thẩm định rất kỹ động cơ của người mua và người bán.
Người ta mua vì món hời từ địa tô mang lại, hay mua để quản lý, tổ chức quản trị lại doanh nghiệp hoạt hoạt động hiệu quả hơn?
Khó thật. Khó nhất là tìm động cơ tốt của người thẩm định.
Đúng như các chuyên gia kinh tế cảnh báo, cổ phần hóa không hiệu quả sẽ có một loạt đại gia ra đời và nguồn tài sản gọi là sở hữu tập thể, sở hữu nhà nước sẽ chuyển sang túi của tư nhân.
Đã đến lúc phải bình tĩnh để tính đúng, tính đủ trước khi hạ bút ký cổ phần hóa.
Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng