Năm đó, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ phường Vĩnh Trung đã ngoài 70 tuổi, song còn nhanh nhẹn lắm. Sau này chúng tôi mới biết: Bác là đại tá Phạm Hùng, từng bị thương nhiều lần, dạ dày đã cắt mất 2/3, về hưu vẫn không chịu ngồi yên, hăng hái tham gia Hội nhân đạo này. Chính bác cũng có mặt trong những đoàn quân về giải phóng Quảng Đà năm 1974, nơi Mai Văn Minh đã ngã xuống. Bác an ủi mấy anh em chúng tôi:

  • Cứ yên tâm nghỉ ngơi, mai mới đi thăm mộ được, ở tận Trường Sơn kia mà...

Và bác dần dà kể: Trong phường Vĩnh Trung có hai anh tên là Khương, lên rừng tìm trầm hương, phát hiện ra ngôi mộ, đã về báo cho Hội Chữ thập đỏ biết. Để cho chính xác, Bác cùng mấy cô chú, CCB lặn lộn lên tận chỗ Minh nằm một lần nữa, chép lại từng chữ số khắc trên bia, rồi mới bàn nhau báo tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam... Chu đáo thế, mà bác cứ nói như có lỗi:

  • Mấy anh thông cảm, bia không ghi quê quán, nên không làm sao viết thư trực tiếp cho gia đình được...

Sớm hôm sau, chúng tôi chưa kịp ra phố mua ít hương hoa, thì bác đã tới: “Khỏi lo, ở đây chuẩn bị cả rồi”, rồi giục chúng tôi ra xe. Cùng đi, không chỉ có các cô, bác trong Hội Chữ thập đỏ, hai anh Khương, mà còn có nhiều cán bộ ngành thương binh - xã hội của tỉnh và TP Đà Nẵng. Xe chạy tới non trưa mới lên đến Trường Sơn, cả đoàn còn phải đi tắt mấy cánh rừng rậm, leo tít lên mấy ngọn núi cao hơn một ngàn rưởi mét, mới gặp được mộ Minh. Tấm bia bằng vỏ pháo sáng, với tên người, những ngày, tháng khắc bằng mũi dao găm còn rõ nét. Chúng tôi như thấy Minh đang đứng đó, đôi mắt trong trẻo và hai má phúng phính lông tơ! Vâng, Minh vào chiến trường và yên nghỉ ở đó đã hơn 20 năm, nhưng hình ảnh lưu lại với gia đình, làng quê vẫn ở tuổi 18 - khi Minh lên đường vào Nam chiến đấu. Chưa biết mấy anh em tôi còn quỳ sụp bên tấm bia đến lúc nào, nếu không có câu chuyện của bác Hùng thức tỉnh lại. Thì ra, chính đơn vị do bác chỉ huy, cùng một số đơn vị nữa của Binh đoàn Hương Giang, đã đánh tan tác một lữ đoàn dù ngụy ở vùng rừng núi này, tạo bàn đạp cho quân dân Quảng Đà tiến công và nổi dậy, giải phóng TP Đà Nẵng, mở thông đường cho đại quân tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Bác xoa xoa vào hàng số khắc trên bia, giọng trầm, nặng: “Theo ngày ghi ở đây và những tài liệu thu lượm được, thì có thể Minh là chiến sĩ trinh sát của Sư đoàn B04...”.

Bây giờ thì hài cốt của Mai Văn Minh đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê hương. Gia đình, làng xã ai cũng mừng mừng, tủi tủi. Chỉ ân hận một nỗi là người mẹ liệt sĩ - bà Cao Thị Ân, đã không chờ được lâu, để chứng kiến cái ngày cán bộ và nhân dân TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Bình đưa đón Minh về quê nhà. Năm ấy, năm 1984, trước phút nhắm mắt, mẹ chúng tôi còn thảng thốt gọi: “Minh ơi, con nằm ở đâu! Bao giờ con mới về với mẹ!”. Mẹ mất rồi, chúng tôi còn tìm thấy trong chiếc gối của mẹ một bức thư đã nhàu nát của Minh. Bức thư ấy vẫn được gia đình lưu truyền gìn giữ như một báu vật. Bác Hùng cũng đã được xem! Thư viết:

“Quảng Đà, mùa khô 1974

Mẹ kính yêu của con!

... Con biết mẹ ngóng tin con lắm! Chiến dịch lớn đã mở rồi. Qua những tín hiệu địch gọi nhau trên sóng, và những cuộc di chuyển quân hớt hải của chúng, con hiểu bọn Mỹ - ngụy đang hoang mang, bối rối cực độ. Chắc chắn không lâu nữa đâu, con sẽ được trở về với mẹ, được đỡ đần, bù đắp những khắc khoải, nhọc nhằn của cha, mẹ qua những năm tháng con xa nhà...

... Mẹ ơi, hôm trước con cùng một chiến sĩ trinh sát có qua một làng quê vừa bị bom na-pan đốt cháy rụi, không một tiếng chim kêu, không tiếng gà gáy; thật kỳ lạ, con nhặt được chiếc cối giã trầu bằng kim loại, nhỏ nhắn, xinh xắn, song đã biến thành màu đen vì bị vùi trong tro tàn, tự nhiên, con bỗng nhớ mẹ da diết. Mẹ! Có phải quê nhà đang giữa mùa đông? Đông năm nay rét nhiều hơn đông trước, chẳng biết vườn cà chua và ớt đỏ nhà ta có sai quả không?... Mẹ hãy an tâm, con sẽ về, sẽ tặng mẹ chiếc cối giã trầu mà con đã đánh bóng. ấy cũng là kỷ vật qua lửa đạn của con trong những ngày xa mẹ!...”.

Đấy, biết mẹ chỉ ước ao có thế! Và bây giờ, Minh đã về nằm giữa lòng quê hương, làng xã, nên mỗi khi thắp nén nhang bên bàn thờ mẹ, không ai bảo ai, chúng tôi đều thầm thưa với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con trai mẹ đã được về bên mẹ!...”.

Nguyễn Phúc ấm