Tác phẩm được chọn là bài “Phừng phừng”:
“Tái dê chấm với tương gừng
Đêm nằm nó mới phừng phừng như dê.
Người ơi! Người ở đừng về!
Tối mai ta lại thịt dê tương gừng”.
Mở đầu, các thi hữu đều thống nhất cho rằng bài thơ “Phừng phừng” có giá trị văn hóa ẩm thực. Ngay câu đầu tiên: "Tái dê chấm tương gừng" đã phản ánh đúng đỉnh cao hương vị. Một bác đề xuất, nhân cơ hội này, ta nên bổ sung hai câu về loài dê vào cuối bài thơ “Con gà - lá chanh” vốn có trong dân gian, để thành như sau:
“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng
Con dê rút ví lấy tiền
Bà ơi, cứ phải đầu tiên - tương gừng”.
Mọi người vỗ tay rào rào! Ai cũng khen câu thơ bổ sung rất chi là... hợp thời, phá bỏ cơ chế “xin - cho”...
Câu thứ hai: “Đêm nằm nó mới phừng phừng như dê”. Câu này tuyệt phẩm ẩn dụ. Không nói ai nằm. Nhưng ai cũng hiểu đó là các thi hữu vừa ăn thịt dê chứ còn ai nữa. Nhưng cái gì “phừng phừng”? Cái gì mà người thì nằm, còn nó lại “phừng phừng như dê”? chẳng lẽ lại là cái chân, cái tay, hay là cái dạ dày phừng phừng à! Tất cả cùng cười phớ lớ...
Đang đà phấn chấn, các thi hữu cùng vỗ đùi đánh “bốp” rồi đồng thanh diễn ca theo điệu Cò lả:
“Tái dê, dê chấm với, (chứ) với tương gừng
Đêm nằm, (là) nằm nó mới, (mới) phừng phừng, (là) phừng như dê!
Tình tính tang, (là) tang tính tình. Dân làng rằng, (chứ) dân làng ơi, rằng có đúng, (là) đúng hay không? (Chứ) rằng có đúng, (là) đúng hay không?”
Người ơi! Ơi người ở, (chứ) ở đừng về!
Tối mai, (là) mai ta lại, tái dê (là) dê tương gừng.
Tình tính tang, (là) tang tính tình. Dân làng rằng, (chứ) dân làng ơi, rằng có đúng, (là) đúng hay không? (Chứ) rằng có đúng, (là) đúng hay không?”.
Chủ nhiệm Tình Bằng cao hứng đưa cái cằm có bộ râu đẹp ra phía trước, vuốt vuốt, đắc chí: “(Chứ) rằng có đúng, (là) đúng hay không?”. Bỗng phu nhân từ trong bếp lao ra, túm bộ râu xách ngược lên: “Thưa cụ! Tương với gừng nhà không thiếu. Tối mai, em mua cả con dê về làm tái cho cụ xơi, rồi cụ cứ ở nhà như... đêm hôm qua ấy. Không phải người ơi, người ời gì nhé!”. Rồi bà nối thêm:
Trâu bò, bò thì đã, (là) đã có thừng
Riêng dê, (là) dê phải xích, để đừng (là) đừng phá rau.
Tình tính tang, (là) tang tính tình. Dân làng rằng, (chứ) dân làng ơi, rằng có đúng, (là) đúng hay không? (Chứ) rằng có đúng, (là) đúng hay không?”.
Miệng hát, tay bà nâng từng chén hạt mít đựng chút rượu quê cho từng người. Cò lả “phừng phừng” nối dài dài làm xóm nhỏ thêm vui vẻ.
Mỹ Trang