Đất nước Việt Nam mấy ngàn năm có biết bao con sông nước hòa máu đào tử sỹ ngã xuống cho hòa bình và thống nhất, độc lập.
Để có ngày sum họp hai miền mùa xuân 1975, dòng Thạch Hãn cùng 81 ngày đêm lửa máu chiến trường Quảng Trị phần nào đó đã tụ lại bốn câu thơ khắc đá bên bờ sông Thạch Hãn của cựu chiến binh, nhà báo, nhà thơ Lê Bá Dương. Chắc hẳn, khi những vần thơ này vút ra từ nghẹn thắt từng cơn nơi lồng ngực, từ lệ bỏng nơi hốc mắt, anh không nghĩ mình rồi nhờ bốn câu thơ mà sẽ thành thi sỹ, anh không nghĩ mình trở nên nổi tiếng từ sự kiện này.
Khi ấy, anh chỉ nghĩ bạn anh vẫn còn đó, không hào sảng, kiêu hãnh và bất khuất như “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng...”, nhưng thanh cao, lãng mạn xót đau và lặng buồn muôn nỗi: “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.
Nếu Bến Hải của Quảng Trị từng là con sông giới tuyến chia hai miền Nam - Bắc sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thì dòng Thạch Hãn lại là điểm chốt quan trọng cho quân ta vào giải phóng Quảng Trị, để tiến đến bàn đàm phán Hiệp định Pa-ri năm 1973. Cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương sinh năm 1953, quê Nghệ An (nguyên phóng viên thường trú báo Văn Hóa khu vực miền Trung - Tây Nguyên), tới ngày 27-7-1987 mới về Quảng Trị, thăm lại chiến trường xưa.
Trong chiến tranh, ông từng được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Xung kích như Lê Bá Dương”, “Chốt chặt như Lê Bá Dương”... và bức ảnh ông khi ấy là chàng trai trẻ mới 15 tuổi đã khai tăng tuổi để được vào Quân đội, tay kẹp khẩu AK dũng cảm chiến đấu trên chiến hào.
Thăm lại chiến trường xưa lần ấy, ông đã mua hàng triệu tiền hoa, rồi cắm hoa, đốt hương trên đỉnh núi cao, hy vọng gió bay đi muôn nơi, đồng đội của ông có thể thấy khói hương, có thể nghe lòng ông gọi mà về với ông. Ông đến bên dòng Thạch Hãn, hoa lá hai bên dòng sông xanh như ánh mắt của bao cô gái trẻ mong đợi người yêu toàn thắng trở về,... trái tim ông từng cơn thắt nghẹn. Lúc ấy, ông cầu mong có một con thuyền để ông đi tặng hoa bạn bè trên dòng Thạch Hãn, bỗng có một bà mẹ lái thuyền câu đi tới. Người cựu chiến binh kể nỗi lòng mình và xin thuê lại con thuyền nhỏ của mẹ trong 4 giờ để thả những bông hoa và kết những nén hương thơm trên dòng Thạch Hãn để bạn bè ông, đồng đội của ông thấy hương, hoa mà vui, thấy nước mắt ông rơi xuống dòng Thạch Hãn mà theo sóng nước trở về, để ông được gặp...
Con thuyền nhỏ lướt dần trên sông, hương đã hoang hoải lan xa, hoa đã rực lên như những trái tim thắm đỏ của bao thanh tân đã mãi mãi nằm lại với dòng Thạch Hãn. Sau 4 giờ, thuyền của mẹ cũng đã quay về cập bến bờ nam. Trước khi cảm ơn và tạm biệt mẹ để lên bờ, ông xin trả tiền công, bà mẹ Quảng Trị ôm lấy người thả hoa, hai người gục vào nhau òa khóc: "Mi làm rứa... Răng mệ lấy tiền mi được...". Người dân xung quanh từ đó cứ đến ngày 27 - 7 lại thả hoa trên dòng Thạch Hãn và xem đó như một nét đẹp văn hóa tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Cùng chiều hôm đó, bằng cảm xúc chân thực, nỗi buồn thương nhớ đồng đội mình, Lê Bá Dương đã viết bài thơ: “Lời gọi bên sông”:
“Đò lên Thạch Hãn ơi,... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
Bài thơ đã được khắc đá bên bờ nam dòng Thạch Hãn. Máu các anh đã hòa vào sóng nước, để ngày đêm vỗ về đôi bờ bình yên, cho non sông mãi mãi thanh bình. Ngôn ngữ trong lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng những hình ảnh có sức lay động tâm can, gợi lên nỗi đau đớn thắt lòng. Chỉ bốn câu thơ thôi, nhưng để lại phía sau âm hưởng của từng tiếng nấc, khi đọc lên, nước mắt chúng ta có thể xoa dịu lòng đau thì trí não lại hiện lên dòng Thạch Hãn trong xanh như người mẹ hiền Quảng Trị từng phải hứng chịu bao làn mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ, rồi lại ôm vào lòng mình bao đứa con thương yêu ngã xuống dòng xanh: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi,... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...”.
Thành cổ Quảng trị 81 ngày đêm khói lửa cùng những trận chiến Lao Bảo, Làng vây, Khe Sanh, Tà Cơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Tùng, Cửa Việt,... và trên dòng Thạch Hãn còn vang vọng mãi tên của bao Anh hùng liệt sỹ đã tìm thấy danh tính và còn bao liệt sỹ chưa tìm được danh tính và hài cốt:
“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
Lời nhắc của tác giả bài thơ không chỉ với những con đò trên sông khi hiện thực “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, mà nhắc tất cả những người đang sống hôm nay hãy nhớ trên mỗi dòng sông, con suối, cánh đồng, bìa rừng... trên đất nước hình chữ S này, mỗi tấc đất đều trộn bao đời xương máu, mỗi chiếc lá xanh tròn ánh mắt người, mỗi ngọn gió mang linh hồn tử sỹ hàng ngày quanh quất bên ta, nhìn ngắm cuộc sống của chúng ta, khi vui, khi buồn, lúc ăn, lúc ngủ, kể cả những gì diễn biến bên trong họ đều biết hết: “Mỗi mắt lá như ánh nhìn ta đó/ Mỗi việc ta làm họ đều biết hơn ta”.
Chết, nhưng không mất, đó không chỉ là nghĩa tri ân, ngưỡng tưởng muôn đời liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc hồi sinh, mà còn hiện diện tâm linh muôn thuở ý nghĩa của sự hy sinh, vì vậy câu thơ “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” và ý nghĩa toàn bộ bài thơ của cựu chiến binh, nhà thơ Lê Bá Dương là ý nghĩa hiện thực, đã tạo nên trường liên tưởng lớn lao lan tỏa, ám ảnh, khắc khoải mãi trong tâm hồn mọi người.
Trong dòng chảy cuộc sống cuồn cuộn hôm nay nếu dừng lại một quãng thời gian để nghĩ về hai từ “hy sinh”, chúng ta sẽ thấy các anh, chị luôn còn đó “mãi mãi tuổi hai mươi” không bao giờ biết đến những mỹ từ “danh lợi” khi đất nước thái bình, nhưng hằng ngày họ luôn dõi theo sự kế tiếp sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng dân tộc của chúng ta.
Đừng tưởng rằng sự im lặng chỉ là lặng im bởi hồn cốt các anh, các chị đã hóa thành đất đai, cây cỏ thiêng liêng như trong một bài thơ tôi đã viết: “Mỗi mắt lá, như ánh nhìn ta đó/ mỗi việc ta làm họ đều biết hơn ta/ Mặc dù cho ta chẳng nói ra/ Ta lén lút, công khai/ Ban đêm, ban ngày/ hay chỉ ngầm trong suy nghĩ/ Tuy các anh hy sinh nhưng mang hình hài của gió/ Ngày ngày, đêm đêm thầm thì/ Nếu là người Việt Nam, sống cho xứng đất Việt Nam...”.
Viên Lan Anh