Một chuyến vượt biển vào Nam của Đoàn tàu không số.

(Tiếp theo kỳ trước)

...

Sau đêm bão, trên thuyền chỉ còn lại một tạ yến sào, một ít quế và một tải khoai lang. Tệ hại nhất là nước ngọt hết nhẵn. Mọi người lo lắng vì hết nước ngọt, không biết lấy gì để uống và nấu cơm. Tôi hỏi anh em:

- Còn nhóm lửa được không?

- Báo cáo Đoàn trưởng vẫn còn lửa.

- Vậy thì rang gạo mà ăn tạm.

-  Nhưng còn nước uống thì sao ạ?

Tôi chỉ vào tải khoai lang và nói:

- Giải khát tạm bằng thứ này. Nhưng cũng phải dè sẻn. Bí quá phải uống nước tiểu để cầm cự, thế nào cũng gặp được thuyền của dân để xin nước.

Đúng là “Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”! Đến ngày thứ ba kể từ khi rời Cửa Đại và sau khi thoát bão, chúng tôi gặp một chiếc tàu treo cờ Quốc dân đảng (Tưởng Giới Thạch). Họ bắt giữ, buộc thuyền chúng tôi vào tàu rồi kéo chạy một chặp. Sau đó, ba người trên tàu nhảy xuống thuyền của chúng tôi lục lọi và hỏi đi đâu mà quế thì ướt, nước ngọt không còn một giọt?

Khi thấy tàu treo cờ Quốc dân đảng và thấy họ hỏi han không hách dịch, tôi nghĩ có thể đây là tàu của quân Tưởng bị phiêu dạt sau khi Quân giải phóng Trung Quốc đánh chiếm Hải Nam, nên bình tĩnh trả lời:

- Chúng tôi là thuyền buôn, không may gặp bão.

Nghe tôi nói vậy, lính Tàu Tưởng không căn vặn gì, họ cho chúng tôi hai thùng nước ngọt, mỗi thùng chừng ba chục lít và xin chúng tôi hai bó quế. Khi tôi hỏi hướng vào đất liến, một người chỉ về hướng đông bắc và nói: Cứ chạy thẳng là tới, nhưng Cộng sản đang ở đó.

Nghe nói Cộng sản ở đó, tôi mừng như mở cờ trong bụng, nhưng ngoài mặt vờ tỏ ra ái ngại, để họ khỏi nghi ngờ. Liền đó, họ cởi thuyền ra để chúng tôi đi.

Sau nửa giờ cho thuyền ngược hướng đông bắc, tôi leo lên cột buồm quan sát và mừng rỡ thét lên: Đất liền kia rồi! Lọt vào tầm mắt của tôi là một chấm xanh - một đỉnh núi. Sau này vào tới đảo Hải Nam, tôi mới biết đó lả đỉnh Ngũ Chỉ Sơn.

Tôi lệnh cho anh em giữ vững bánh lái để thuyền không chệch hướng và chuẩn bị tinh thần để “đổ bộ”. Chừng 5 giờ chiều, thuyền chúng tôi vào tới cửa Lăng Thủy, phía nam đảo Hải Nam.

Thấy chúng tôi vừa lạ lẫm vừa đói khát, nhất là biết chúng tôi vừa thoát bão, bà con rất thông cảm. Nam phụ lão ấu xúm lại xem, rồi cho chúng tôi một rổ cá tươi. Anh em nấu ngay một nồi ăn cho bõ mấy ngày đói khát. Giải quyết tạm chuyện đói khát, tôi hỏi dân và tìm gặp Chủ tịch xã cũng là một ngư dân. Bố trí cho chúng tôi nghỉ ngơi lại sức một vài ngày, Chủ tịch xã đưa chúng tôi lên gặp Huyện ủy Lăng Thủy. Bí thư Huyện ủy tiếp chúng tôi thân mật, chu đáo. Anh cùng tôi dùng dao phá ông tôn mà chúng tôi đựng tài liệu, lấy giấy giới thiệu của Khu ủy 5 gửi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi Bí thư Huyện ủy xem giấy giới thiệu, tôi đề nghị anh điện báo cho Khu ủy Hải Nam là đoàn chúng tôi đã sang. Bởi lẽ, trước khi chúng tôi đi, Khu ủy 5 đã điện báo cho bạn. Năm ngày không thấy phản hồi từ Khu ủy Hải Nam, cộng với thời gian trên biển cũng đã hơn chục ngày mà không báo tin về Khu ủy 5, lòng tôi như lửa đốt. Bởi vì, chúng tôi đã thống nhất với các anh lãnh đạo ở nhà là sau 15 ngày mà không có tin báo về, có thể đoàn chúng tôi đã mất tích hoặc hy sinh.

Không thể chờ thêm, tôi khẩn khoản đề nghị lên gặp trực tiếp đại diện Khu ủy Hải Nam. Buộc lòng đồng chí Bí thư Huyện ủy Lăng Thủy phải đích thân dẫn chúng tôi lên gặp Khu ủy. Không có lấy một đồng tiền Trung Quốc để mua vé xe, tôi phải vào cơ quan tài chính Lăng Thủy bán mấy lá vàng được 100 đồng Nhân dân tệ. Mua vé cho cả đoàn mất 85 đồng, còn 15 đồng để tiêu vặt.

Tưởng cứ lên xe là đi thẳng lên cơ quan Khu ủy, nhưng nào ngờ đi qua huyện Gia Tích vào lúc chập tối, chúng tôi bị công an chặn lại rồi bắt giam cùng một số phần tử Quốc dân đảng. Rạng sáng hôm sau, một vị công an vội vàng mở cửa phòng giam và ân cần đưa chúng tôi đến Sở Công an Hải Nam. Tại đây, viên chỉ huy trưởng công an xin lỗi vì không được báo trước nên đã bắt giam nhầm chúng tôi. Sau đó, ông bố trí chúng tôi nghỉ tại một khách sạn để chờ đại diện Khu ủy đến làm việc. Làm việc với ông Hà Dụng - Phó bí thư Khu ủy Hải Nam, tôi báo cáo tình hình của đoàn đi và nhờ ông điện báo với Khu ủy Khu 5; đồng thời tôi cũng nhờ ông thông báo cho ngư dân Hải Nam nếu gặp 2 thuyền của Việt Nam thì báo để chúng tôi tới đón. Biết báo tin về nhà là hệ trọng nhất lúc này, nên ông Hà Dụng có một ứng xử làm tôi rất xúc động - ông cho tôi sử dụng luôn điện đài của ông để nói chuyện trực tiếp với người ở nhà. Cùng với thông báo tình hình ba thuyền của chúng tôi đi trước, tôi cũng được tin là ba thuyền đi sau của đoàn đã bị đich bắt…

Trong đời đi làm cách mạng của tôi, còn bao nhiêu cuộc trường chinh vào Nam ra Bắc, đặc biệt tôi vinh dự được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ là người đầu tiên tổ chức mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vào tháng 5-1959 với biết bao kỷ niệm sâu sắc, nhưng chuyến vượt biển sang Trung Quốc đầy mạo hiểm thời kỳ chống Pháp là kỷ niệm không thể nào quên được.

Duy Tường ghi theo lời kể của Thiếu tướng Võ Bẩm