Có những đứa cháu để chăm sóc và yêu thương là điều hạnh phúc nhất với ông Tới và gia đình.

Đỗ Quốc Tới sinh năm 1949 là người con của quê hương Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyên là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, học xong phổ thông ông cùng với 3 người anh trai tự nguyện viết đơn xin gia nhập quân ngũ với nguyện vọng quyết tâm cầm súng, đánh đuổi giặc góp phần giải phóng đất nước. Trải qua quãng thời gian thử thách ngoài thao trường, năm 1969, ông cùng các đồng đội hành quân ròng rã 3 tháng vào chiến trường Tây Nguyên.

Trận đánh đầu tiên Đỗ Quốc Tới tham gia là trận đánh quận ly Đức Lập (năm 1969) nhưng sau căn cứ này bị địch tái chiếm. Mãi đến ngày 8-3-1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, ông lại được trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng quận lỵ Đức Lập lần thứ hai. Ngày 9-3-1975, toàn quận lỵ Đức Lập đã được hoàn toàn giải phóng. Cũng ngay chiều ngày 9-3-1975, đơn vị ông rút về yểm trợ cho Sư đoàn 316, xốc lại mũi tiến công đánh thẳng vào sân bay Hòa Bình. Trước đêm Sư đoàn 10 nhận nhiệm vụ đánh vào sân bay Hòa Bình, với vai trò của một Chính trị viên đại đội, ông Đỗ Quốc Tới nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng của các đồng đội đi trước, truyền thêm niềm tin sức mạnh để các đồng đội mình thêm vững tay súng. Khi mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng, Sư đoàn 10 được lệnh tấn công sân bay Hòa Bình vào sáng ngày 15-3-1975, sân bay Hòa Bình đã được giải phóng ngay hôm đấy.

Sau trận ấy, đơn vị ông cùng các đơn vị bạn đổ bộ xuống thị trấn Khánh Dương, tham gia giải phóng T.P Nha Trang vào cuối tháng 3. Tiếp đến đánh vào cảng Cam Ranh, rồi ngược đường 21 về tập kết tại Dầu Tiếng. Đơn vị ông tiếp nhận lệnh tham gia giải phóng Sài Gòn, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ông còn nhớ rất rõ khi tiến qua ngã tư Bảy Hiền, địch dùng nhiều thùng phi đất xếp chật đường làm chướng ngại vật, nhằm giảm tốc độ tiến công của quân ta. Cũng tại đây, các đồng đội hy sinh rất nhiều.

Đã 42 năm trôi qua, nhưng trong hồi tưởng của ông, vẫn còn in đậm những hình ảnh của buổi trưa Sài Gòn năm ấy. Những người lính quen đi rừng, lội suối  nay như bị choáng ngợp giữa phố phường ngời ngời ánh điện, rồi cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu chào mừng chiến sĩ giải phóng, ca ngợi Bác Hồ..., bay rợp trời. Người dân Sài Gòn đổ ra đường đông như trẩy hội, mừng vui Bắc Nam sum họp một nhà.

Một kỷ niệm để lại cho ông và các đồng đội nhiều tiếng cười, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, đó là một ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Được tin phái đoàn miền Bắc sẽ mang theo 8 tấn cờ đỏ sao vàng vào chúc mừng miền Nam giải phóng. Ngay lập tức, hơn 2.000 chiến sĩ, trong đó có các đồng đội ở Sư đoàn ông tập trung quét dọn sân bay Tân Sơn Nhất. Về sau mới biết người dẫn đầu phái đoàn là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 có nhiệm vụ bảo vệ phái đoàn. Vậy là các chiến sĩ xếp đội hình thẳng dọc theo đường băng mà không hề để ý đến khoảng cách cũng như độ an toàn trong khu vực đường băng; đến khi trực thăng gần tiếp đất, lực ép tạo ra những luồng gió xoáy mạnh khiến cho toàn đội hình nghiêng ngả, rồi đổ nhào tạo nên một cảnh tượng rất hài hước.

15 năm tham gia chiến đấu khắp các chiến trường ác liệt, lần lượt bị thương xuyên thủng mu bàn tay, rồi ở khuỷu tay, ở đùi và đầu. Hiện bả vai trái của ông vẫn còn những mảnh đạn ghim trên đó, mỗi khi trái gió, trở trời lại kéo theo những cơn đau nhức. Thế nhưng, nỗi đau lớn nhất đời ông chính là vợ ông sinh ra những đứa con không lành lặn, do bị lây nhiễm chất độc da cam từ ông. Người con trai thứ nhất ra đời, mang nhiều dị dạng, bệnh tật, rồi mất khi chưa tròn 1 tuổi; người con gái thứ hai ảnh hưởng ở mức độ nhẹ nhất, chỉ bị dị tật ở bàn tay. Và niềm tin của cả gia đình đặt tất cả vào người con trai trong lần sinh thứ ba cũng không được trọn vẹn, vừa mới chào đời người con trai thứ ba đã bị u não, thái hóa màng điểm, hai phổi Polip mọc dài từ ống tai ...

Ông và người vợ âm thầm chịu đựng những nỗi đau nối tiếp khó nhọc chạy vạy để chữa bệnh cho con, thế nhưng ông vẫn giữ cho mình sự điềm đạm lạc quan trong cuộc sống. Ông chia sẻ: “Mỗi người đều mang một số phận, hãy giữ cho mình một đức tin để có thể vượt lên những nỗi đau ấy. Tôi tự nhủ lòng, rằng mình vẫn còn hạnh phúc hơn bao người khác, còn được sống, được trở lại quê hương, dù là không lành lặn nhưng vẫn còn có những đứa con để được chăm sóc, để được yêu thương. Chắc chắn không phải người lính nào cũng có được điều may mắn ấy. Tôi thương cho những đồng đội của tôi, người còn, người mất hòa bình lập lại mà vẫn chưa tìm được mộ phần”.

NGÔ ĐỨC THUẬN ghi theo lời kể của CCB ĐỖ QUỐC TỚI