Mãi sau, đồng chí Trung tá Bá Hiên cho tôi mượn cuốn sách “Tiểu đoàn 248 Cảm tử quân”, thì tôi mới phát hiện ra một cảm tự quân gan dạ, dũng cảm ở đoàn tàu này. Người anh hùng ấy chính là Thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Văn Xế. Rất may là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc được cuốn sách trên và đã có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông; và nay ông cũng đã 82 tuổi rồi, thương binh loại 2/4 (tỷ lệ mất sức 73%), trong đầu và trong ngực ông còn mang hai mảnh đạn của kẻ thù. Ông ở phường Cầm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ngày ký phong anh hùng cho ông là ngày 28-5-2010 và Thành phố Hội An đã tổ chức đón danh hiệu cao quý trên cho ông vào ngày 1-9-2010.

Một chiến công đặc biệt xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Xế là chuyến vận chuyển vào năm 1950. Đồng chí được cấp trên, trực tiếp là đồng chí Phạm Ngọc Thạch (đại diện cho Ủy ban kháng chiến Nam Bộ) gọi đến giao nhiệm vụ và nói rõ: Đây là chuyến hàng đặc biệt, ngoài 10 tấn vũ khí còn có những mặt hàng khác cực kỳ quan trọng, trong đó có một thùng sắt, được khóa chặt, niêm phong kỹ và với một lời dặn dò, đây là vật bất ly thân, đồng chí còn thì thùng hàng này còn, đồng chí mất thì thùng hàng này mất, tuyệt đối không được sơ sảy thất lạc và đây được xem là “máu” của chiến trường, nên đòi hỏi phải sẵn sằng hy sinh nếu bị lộ. Đến đây, các đồng chí đại diện cho Ủy ban kháng chiến Nam Bộ khẳng định: Nhiệm vụ nặng nề vậy, các đồng chí có làm được không, nếu còn gì phân vân tổ chức không ép. Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, đồng chí biết: vào thời điểm mùa gió bắc với những kiện hàng đặc biệt này quả là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Song với tinh thần và ý chí cách mạng, phục vụ kháng chiến, vì tổ quốc, đồng chí liền trả lời ngay: Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nếu có hy sinh thì cũng sẵn sàng, cấp trên cứ tin tưởng ở chúng tôi.

Đúng vào lúc 7 giờ tối một ngày giáp tết năm Canh Dần (1950), thuyền của đơn vị đồng chí nhổ neo, xuất phát từ Ma Liên, một bãi ngang của biển Tuy Hòa. Thuyền phải giương cả ba cánh buồm chạy thẳng ra hải phận quốc tế để tránh tàu tuần tiễu của Pháp, sau đó xác định hướng sẽ cập vào bờ biển Bà Rịa để giao hàng. Nhưng do trời tối mịt, sóng gió và biển động mạnh, bánh lái bị đánh gãy, rồi thuyền bị sóng lớn nhận chìm… Không vật nổi với sóng dữ, ba đồng đội của đồng chí đã hy sinh.

Nhớ đến lời cấp trên căn dặn, phải sống chết với thùng hàng. Đồng chí Xế ôm vội thùng hàng và một mái chèo, gắng chịu lạnh, lênh đênh trên mặt biển, tâm niệm là phải sống, dứt khoát phải sống vì thùng hàng đặc biệt này… Sau đó, đồng chí bám được một đoạn gỗ bơi vào bờ. Không để cho địch phát hiện, đồng chí gắng sức bơi về hướng vịnh Vũng Rô. Đến đây, đồng chí được đồng đội giúp đỡ, đưa về Ban vận tải Liên khu 5. Lúc đó đồng chí mới biết thùng hàng mình mang theo là 4 ký vàng và 2 triệu đồng Đông Dương; còn 26 kiện tín phiếu đã bị sóng đánh dạt. Sự dũng cảm vật lộn với sóng gió để giữ được thùng hàng cho kháng chiến của đồng chí Xế thể hiện bản lĩnh kiên cường của chiến sĩ cách mạng. Sau chuyến đi lịch sử này, đồng chí lại cùng đồng đội tiếp tục nhiều chuyến hàng vào Nam phục vụ kháng chiến ở các địa phương thuộc Cực Nam Trung bộ và Nam Bộ.

Tháng 5-1955, đồng chí tập kết ra Bắc, tiếp tục công tác ở Cục Vận tải đường sông tại Hải Phòng. Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, bằng kinh nghiệm của mình, đồng chí đã nhiều lần dũng cảm chỉ huy xà lan phòng tránh và đánh trả địch rất quyết liệt trên các tuyến đường sông, vận tải hàng hóa ở miền Bắc XHCN, ủng hộ đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhà nước đã công nhận những thành tích xuất sắc của ông, người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng.

Với tuổi 82, hiện nay ông đã yếu. Nhưng ông cũng đã để lại cho con cháu biếât được công lao mà mình đã tạo dựng nên.

VÕ THÀNH TUẤT