Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991.
Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh.
Vì thế, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/T.Ư về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2-1 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.
Có thể nói, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trở thành một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do vậy, đòi hỏi toàn dân và toàn Hội CCB cần tích cực tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là một thực tế khách quan và cũng là yêu cầu bắt buộc.
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất của cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân cũng như các cấp Hội và hội viên CCB, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, chức năng của mình. Chúng ta có đầy đủ niềm tin đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ thu được kết quả thiết thực, mang đậm dấu ấn của giai đoạn phát triển mới, nhằm xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
CCB Việt Nam