Vào tháng 9 các nhà vật lý của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) và Viện Vật lý Nguyên tử Italy (INFN) bắn 15.000 luồng hạt neutrino bằng máy gia tốc hạt lớn từ Geneva tới phòng thí nghiệm Gran Sasso tại Italy. Khoảng cách từ điểm bắn các hạt neutrino tới điểm đích của chúng là 732 km. Trong quá trình đo vận tốc các luồng hạt neutrino, một nhà vật lý vô tình nhận thấy tốc độ của chúng lớn hơn tốc độ ánh sáng.

Phát hiện của CERN và INFN gây chấn động trong cộng đồng vật lý quốc tế, bởi nó mâu thuẫn với thuyết tương đối hẹp của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein, theo đó không có bất kỳ dạng vật chất nào trong vũ trụ có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng trong môi trường chân không. Thuyết tương đối hẹp là nền tảng của vật lý hiện đại và là cơ sở để giới khoa học giải thích mọi hiện tượng trong vũ trụ. Vì thế IFNF quyết định thực hiện lại thí nghiệm theo cách khác và trong điều kiện tốt hơn để kiểm chứng kết quả mà họ công bố hồi tháng 9.

Lần này nhóm chuyên gia vật lý bắn hạt proton, chứ không phải hạt neutrino, bằng máy gia tốc hạt lớn. Sau hàng loạt tương tác phức tạp, các hạt neutrino được sinh ra từ luồng hạt proton và đâm xuyên qua lớp vỏ trái đất để tới Gran Sasso.

Giới vật lý hy vọng các tổ chức nghiên cứu khác – chẳng hạn như Fermilab ở Mỹ - sẽ thực hiện các thí nghiệm độc lập để kiểm chứng tốc độ hạt neutrino.

Quỳnh Anh (TH)