Báo vụ viên Nguyễn Minh Nguyệt - c1, dtt, Tổng cục Hậu cần.

Báo tháng 6 - Tháng 8-1968, tôi được lệnh nhập ngũ khi vừa có giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. Quý giá nhất trong hành trang mang vào quân ngũ của tôi là sự động viên của người thân trước khi lên đường. Bởi quê tôi - huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, là đất rừng cọ đồi chè nhưng rất nghèo khó. Những lời động viên mang nặng tình cảm, ước mong đó đã nâng bước tôi rất nhiều trong cả đời quân ngũ.

Đầu tiên là thầy Nguyễn Hữu Nghĩa - Hiệu trưởng Trường cấp 3 Ngô Gia Tự (huyện Lập Thạch) của tôi. Đến bên tôi, Thầy bảo: "Cậu trò cao ngỏng, giỏi môn văn này, vào bộ đội nhớ ghi lại dấu ấn đời quân ngũ để lại cho đời sau nhé...". Tôi ôm chặt lấy thầy: "Em cảm ơn thầy. Nhớ lời thầy, em sẽ cố gắng trở thành nhà văn ạ!". Còn bác Lê Văn Doanh - Bí thư Huyện uỷ Lập Thạch khi gặp tôi ở nơi tập trung tại sân trường cấp 1 xã Xuân Hòa, thì vừa động viên lại vừa như giao nhiệm vụ. Bác nói với tôi: "Cháu yên tâm lên đường phấn đấu cho tốt. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ trở về lại tiếp tục học hành và xây dựng quê hương anh hùng nhé!".

Sáng sớm trước ngày lên đường, tôi vừa dậy thì đã thấy cô bạn đồng môn đang đứng cùng mẹ tôi ở gần cổng. Đó là Tuyết, con gái ông thầy lang Chăn, ở trong làng. Tôi mời bạn vào nhà, Tuyết đưa cho tôi một cái túi vải và nói: "Tớ tặng cậu để khi vào bộ đội mà dùng”. Tôi còn đang chần chừ thì mẹ tôi đi tới: "Con ơi! Nhận cho bạn đi. Quần áo, xà phòng, thuốc đánh răng, bàn chải cũng cần nhiều đó. Vào bộ đội vất vả, có thêm chút quà của bạn bè tặng là quý hóa lắm". Tôi mở túi ra xem và cầm chiếc khăn mùi xoa có thêu hai con chim bồ câu, lòng thật vui mà cũng hơi ngượng. Tuyết cũng hơi đỏ mặt và nói, có ý giải thích: "Mỗi lần nhớ quê thì hãy đem chiếc khăn ra nhìn là hết nhớ ngay. Đôi chim hẹn nhau ngày chiến thắng trở về đấy. cố lên nhé!".

Trước khi anh em lên xe, mẹ và anh tôi đèo một rổ nhãn ra tận sân kho HTX

để tiễn anh em lên đường. Những chùm nhãn chín mọng được hái từ cây nhãn do bố tôi trồng trước sân nhà từ năm 1945, năm sinh ra tôi. Nhìn những chùm nhãn mà chúng tôi đều thấy bùi ngùi khó tả. Sau phút chần chừ, anh em vui vẻ nhận mỗi người một nhánh khoảng dăm quả. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt:

- Các con cầm hết đi mà ăn cho mẹ vui. Cố mà phấn đấu cho bằng anh, bằng em đấy nhá...

Rồi bà vội cùng anh trai tôi lên xe đạp, trở về nhà. Nhìn bóng mẹ gầy yếu, đầu chít khăn mỏ quạ, quần thâm đen, chân đi đất mà lòng tôi xót xa. Thương mẹ vô cùng, tôi thầm hứa: “Mẹ ơi, con sẽ nghe lời mẹ, luôn cố gắng để bằng anh, bằng em”.

Tôi được biên chế về Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 26 thông tin, Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần. Gần kết thúc khóa huấn luyện tân binh mà tôi vẫn bị xếp hạng chót vì kém hai môn, là đi đều và thuộc 10 Lời thề danh dự của quân nhân QĐND Việt Nam. Cũng không hiểu sao, khi tập một mình thì tay, chân tôi nhịp nhàng và rất đúng nhịp hô của chỉ huy. Nhưng khi đứng vào hàng quân thì chân tôi cứ bị lạc nhịp, rồi chân nào tay nấy! Còn 10 Lời thề thì cũng lạ, tôi đọc được khi chào cờ, nhưng vào kiểm tra lại ấp úng rồi tịt? Anh Nghị - Tiểu đội trưởng; cả Trung đội trưởng Lực cũng bực tôi lắm, vì lo cho thành tích của Trung đội. Bị nhắc nhở trong sinh hoạt nhiều, tôi cũng cay lắm. Nhất là khi nhớ lại lời dặn của mẹ, phải cố gắng cho “bằng anh, bằng em”, tôi gắng hết sức. Trưa, tôi lẻn ra sau hội trường tự tập đi đều. Sau điểm danh tối, tôi không về ngủ ngay mà ra sân bóng luyện đọc 10 lời thề. Anh Nghị, anh Lực biết được, đã động viên tôi rất nhiều. Nhờ thế, tôi khắc phục được hai khâu yếu và kết quả các khoa mục khác cũng khá hơn hẳn.

Chúng tôi đi bắn kiểm tra kết thúc huấn luyện tân binh ở trường bắn Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Một ngày náo nức, tưng bừng bởi cờ quạt, khẩu hiệu và từng loạt, từng loạt đạn nổ chói tai... Tôi bắn ba phát AK đạt 30 điểm, được Đại đội khen thưởng và cho nghỉ phép 5 ngày.

Về thăm nhà, nhìn cây nhãn đã hết quả, đang bồi hồi nhớ đến chùm nhãn và lời mẹ dặn trước lúc lên đường thì mẹ đi tới và đưa cho tôi một chùm nhãn. Mẹ bảo: "Đây là chùm nhãn cuối mùa, mẹ hái mấy hôm rồi. Thật may vẫn còn tươi! Chắc là cây nhãn nó nhớ con". Tôi vội đỡ chùm nhãn cùng bàn tay chai sạn của mẹ, lòng thầm nghĩ: Mẹ ơi! Con nhớ mãi chùm nhãn cuối mùa của mẹ!

Vũ Quang Huy

Theo lời kể của CCB Nguyễn Minh Nguyệt - ngõ 54, đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội.