Báo tháng 6 - Cuối năm 1965, để bình định các xã vùng ven Tòa thánh Tây Ninh và ngăn chặn sự đột nhập tiến công của Quân Giải phóng vào Chi khu Phú Khương của địch, chúng đã cho xây dựng đồn Trí Huệ Cung tại xã Trường Lưu, quận Phú Khương (cách thị xã Tây Ninh khoảng hơn 10 km).

Đồn tọa lạc trên khu nhà vốn là dinh cơ tịnh tu của Giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc. Lực lượng địch bố trí tại đây có 1 đại đội Bảo An và 1 trung đội Bình định với quân số khoảng gần 100. Trang bị 1 khẩu cối 61 mm, 1 khẩu đại liên, 10 khẩu trung liên và một số khẩu AR15.

Đồn hình chữ nhật, chiều dài 200m, chiều rộng 100m; được bao bọc bởi một bức tường xây bằng gạch cao 1,5m, dưới chân tường là hàng rào bùng nhùng có cắm một số loại chông để chống đột nhập. Kế đến vòng tiếp theo là một hàng rào kẽm gai đơn cao 1,5 m và vòng bảo vệ ngoài cùng là hàng rào thép gai chạy bao quanh.

Ngôi nhà 2 tầng kiên cố nằm trung tâm giữa đồn được sử dụng làm nơi ăn nghỉ cho binh lính. Tầng 1 của tòa nhà được cải tạo lại theo dạng lô cốt với nhiều lỗ châu mai và hệ thống hào chạy bao quanh nối ra các hướng. Do có hệ thống công sự khá kiên cố và vững chắc, lại nằm lọt sâu trong vùng chúng kiểm soát nên quân địch tại đồn Trí Huệ Cung tỏ ra khá chủ quan, ngạo mạn. Ban ngày chúng thường tổ chức đi lùng sục, kiểm soát quanh vùng; ban đêm để một số tốp nhỏ phục kích.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục về chống phá bình định, Tỉnh ủy Tây Ninh chi thị cho Tỉnh đội đánh tiêu diệt quân địch để cảnh cáo đội quân bình định hung hăng, đồng thời củng cố niềm tin trong nhân dân, góp phần thức đẩy phong trào đấu tranh chống, phá của chúng.

Chấp hành chỉ thị của Tỉnh ủy, BCH Tỉnh đội Tây Ninh giao cho Tiểu đoàn 14 tổ chức lực lượng tiến công đồn Trí Huệ Cung, trong hoàn cảnh vừa trải qua một đợt hoạt động chống càn liên tục dài ngày, quân số và vũ khí trang bị hao hụt nhiều chưa được bổ sung; có đại đội thậm chí chỉ còn 25 tay súng... Mặc dù vậy, ý thức được ý nghĩa quan trọng của trận đánh này nên BCH Tiểu đoàn vẫn hạ quyết tâm "tiêu diệt bằng được đồn Trí Huệ Cung.

Sau gần nửa tháng làm công tác điều nghiên và chuẩn bị, chiều ngày 1-7-1966, Tiểu đoàn vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công, với toàn bộ lực lượng hiện có và một trung đội lực lượng được tăng cường. Tiểu đoàn sử dụng hỏa lực Cối và DKZ bắn chế áp, dùng bộc phá và mìn ĐH10 mở 3 của mở tiến công từ phía Bắc, Tây-Bắc và Đông-Nam, đột kích tiêu diệt quân địch, với quyết tâm làm chủ ngay đồn Trí Huệ Cung. Nhưng, vừa tiến công thì trời đột ngột đổ mưa, đường lầy lội nên một bộ phận của Tiểu đoàn đã bị lạc đường, nổ súng chậm 1 giờ so với kế hoạch.

Chỉ sau những phút bị động ban đầu, chúng dần kiểm soát được tình hình và dồn lực lượng vào tòa nhà chính điên cuồng chống trả. Từ trên tầng hai, quân địch thi nhau tung lựu đạn và dùng súng máy quét xuống phía dưới, quyết không cho bộ đội ta tiếp cận được chân tường của tòa nhà. BCH trận đánh điều cả hỏa lực DKZ và cối vào giải quyết nhưng do vướng các bức tường bao quanh tòa nhà quá dày và quá kiên cố nên cũng không phát huy được hiệu quả. Trận đánh trở nên khó khăn và thương vong bộ đội tăng nhanh. Trước tình hình đó, 2 giờ 30 ngày 2-7, BCH Tiểu đoàn lệnh cho các mũi đưa thương binh, tử sĩ rút ra, đồng thời quyết định kết thúc trận đánh.

Mặc dù không đánh chiếm được toàn bộ đồn Trí Huệ Cung, song trong trận đánh này, Tiểu đoàn 14 đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 60 quân địch, thu được một số vũ khí. Về phía Tiểu đoàn 14 có 7 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 25 trường hợp bị thương, mất 1 khẩu trung liên và một số khẩu AK.

Dẫu tiêu hao được lực lượng địch, song xét toàn cục thì đây vẫn là một trận đánh không hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho trận đánh; nguyên nhân trước hết do nắm địch không chắc, đánh giá chưa đầy đủ hệ thống bố phòng của địch; công tác điều nghiên chưa tốt, mặc dù có tới nửa thàng để làm công tác chuẩn bị.

Chính do nắm địch không chắc nên trong kế hoạch tác chiến, Tiểu đoàn đã không dự kiến khả năng tiến công địch co cụm, phòng thủ bên trong tòa nhà trung tâm của đồn. Ngay hệ thống công sự bao quanh tòa nhà, Tiểu đoàn cũng không biết, nên khi quân địch co cụm trong công sự, bộ đội tỏ ra lúng túng, không có phương án đối phó.

Đôị hình chiến đấu được tổ chức thành một thê đội cũng là một hạn chế, thiếu sót trong xây dưng kế hoạch tác chiến của trận đánh này. Vì không có thê đội hai nên khi sức chiến đấu của mũi chủ công giảm đã không có lực lượng dự bị bổ sung, chi viện kịp thời.

Trong quấ trình chiến đấu, sự phối hợp giữa các bộ phận, các mũi, các hướng chưa được chặt chẽ; cán bộ xử trí một số tình huống còn bị động, lúng túng... Điều này vô hình chung tạo điều kiện cho quân địch có cơ hội co cụm để phản kích.

Khả năng tổ chức, chỉ huy của một số cán bộ trong trận đánh này cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu linh hoạt và sắc sảo.Trình độ và kinh nghiệm của bộ phận hỏa lực chưa thành thục nên chưa phát huy được hiệu quả vốn có của hỏa lực DKZ và Cối.

Dẫu trận đánh không thành công, song dù sao trận tập kích cũng đã gây được một số tác động nhất định, ảnh hưởng tới tinh thần của binh lính địch trên chiến trường Tây Ninh lúc bấy giờ. Đồng thời trận đánh cũng đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chống phá bình định tại địa phương phát triển lên một bước mới.

Việt Anh