Việt Nam và Tanzania thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14-2-1965, hai nước có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao Tanzania đã nhiều lần thăm Việt Nam và luôn coi Việt Nam là tấm gương đối với các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các nước châu Phi trong đấu tranh chống xâm lược. Tanzania đã ủng hộ Việt Nam cả vật chất lẫn tinh thần trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Hợp tác kinh tế giữa hai nước có nhiều bước tiến tích cực. Việt Nam và Tanzania đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác; năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 204 triệu USD.
Mozambique là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (PALOP), Khối Liên hiệp Anh (Commonwealth). Là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định nhất châu Phi (7-8%/năm). Thời gian gần đây, Mozambique thực hiện chính sách hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác với các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ.
Việt Nam và Mozambique có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp (hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25-6-1975). Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mozambique những năm qua khá sôi động. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66,1 triệu USD. Hiện Việt Nam có Tập đoàn Viettel và Hapro đang đầu tư tại Mozambique trong lĩnh vực viễn thông và thương mại. Hai nước cũng có nhiều dự án hợp tác song phương, ba bên, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản…
Cộng hòa Hồi giáo Iran là nền kinh tế thứ 29 thế giới. Trong hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học-kỹ thuật. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Iran năm 2015 đạt 106,7 triệu USD. Hiện nay, với việc các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Iran được bãi bỏ cùng với Kế hoạch hành động toàn diện chung mà Tehran đạt được với Nhóm P5+1 có hiệu lực, cánh cửa hội nhập trở lại với nền kinh tế thế giới đang dần mở rộng đối với Iran. Đây cũng là cơ hội hấp dẫn cho nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. Iran luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất xi măng, phân bón.... Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Iran là đá xây dựng, chè, hạt điều, dao cạo râu...; mặt hàng nhập khẩu chính là phân bón, chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng...
Trong khuôn khổ chuyến thăm Tanzania, Mozambique và Iran lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các quốc gia trao đổi các biện pháp thiết thực và cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống, hợp tác nhiều mặt, đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, xóa đói giảm nghèo..., đồng thời trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Khôi Nguyên