Facebook đã quay trở lại đàm phán với Chính phủ Australia.

Cuộc đối đầu giữa Australia với hai “gã khổng lồ” công nghệ là Google và Facebook trong tuần qua làm giấy lên mối quan ngại về chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia với các mạng xã hội, các ứng dụng sử dụng Internet. Liệu một quốc gia có thể thực thi pháp luật của mình, trên lãnh thổ của mình với các tập đoàn công nghệ có trụ sở và máy chủ ở một quốc gia khác nhưng lại đang kiếm lời trên lãnh thổ của mình qua Internet?

Từ năm 2020, dự luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt giữa Google, Facebook với các hãng truyền thông và báo chí Australia. Dự luật này yêu cầu hai “gã khổng lồ”công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Chính phủ Australia sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí và khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lựa chọn. Dự luật đã được Hạ viện Australia thông qua ngày 16-2-2021 và nhiều khả năng sẽ sớm được ban hành.

Đối mặt với sức ép trên, Google đã chọn “biện pháp hoà bình” khi thông báo đã dàn xếp được các thỏa thuận với những tập đoàn truyền thông của Australia, trong đó có News Corp. Facebook thì ngược lại khi quyết định “đối đầu” với Canberra. Sáng sớm ngày 17-2, chỉ hơn nửa ngày sau khi Hạ viện Australia thông qua dự luật, Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức nhằm phản đối dự luật mới ở nước này.  Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia đã không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này. Chẳng những thế, các trang Facebook của các tổ chức từ thiện, cơ quan chính phủ và cơ quan y tế địa phương ởxử sở chuột túi cũng đồng loạt bị xoá nội dung.

Hành động “đối đầu” của Facebook được Thủ tướng Morrison coi làmột mối đe dọa và làm "leo thang cuộc chiến". Ông cho biết đã thảo luận tình hình với thủ tướng Ấn Độ và Canada. Trong khi đó, Anh và Đức cũng có các động thái ủng hộ Canberra phải cứng rắn với Facebook. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Di sản Canada- Steven Guilbeault lên án động thái của Facebook và cho biết ông đang phụ trách soạn thảo bộ luật yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho báo chí Canada. Có thể thấy, Australia không đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng của mình cho dù trợ lý đại diện thương mại Mỹ đã đánh tiếng hàm ý nếu dự luật được thông qua có thể gây thiệt hại cho hai tập đoàn của Mỹ, dẫn đến những kết quả tiêu cực.

Sự cứng rắn của Australia rốt cuộc cũng có chiều hướng hạ gục được “gã khổng lồ” Facebook. Bộ trưởng Ngân khố Australia - Josh Frydenberg cho biết đã thảo luận kéo dài30 phút với Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg để tìm ra cách thức thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo ông, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần này. Cùng ngày, Thủ tướng Australia - Scott Morrison cũng hối thúc Facebook dỡ bỏ hạn chế chia sẻ tin tức với người dùng Australia và quay lại bàn đàm phán với các hãng tin của nước này. Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Scott Morrison cho biết: "Facebook tạm thời kết bạn với chúng tôi một lần nữa. Điều tôi cảm thấy hài lòng là việc họ quay trở lại bàn đàm phán".

Facebook, hay các mạng xã hội khác, giúp mọi người dễ dàng kết nối và chia sẻ thông tin. Qua các dịch vụ của mình, Facebook cũng tổng hợp, phân tích thông tin của người dùng để sử dụng cho việc quảng cáo, biến thông tin thành lợi nhuận. Thông tin của các cơ quan báo chí cũng được tiếp cận nhiều hơn nhờ chia sẻ trên Facebook nhưng bên hưởng lợi thì lại chỉ có Facebook mà thôi. Đó là lý do nhiều chỉnh phủ và các cơ quan báo chí muốn Facebook hay các mạng xã hội khác phải chia sẻ lợi nhuận và chấp hành luật pháp của nước sở tại.

Australia đã cứng rắn và chắc chắn sẽ thành công trong cuộc đối đầu với Facebook để bảo vệ pháp luật của mình, bảo vệ quyền lợi của các cơ quan truyền thông của xứ sở chuột túi. Không gian mạng cũng có chủ quyền riêng của mỗi quốc gia và nếu các quốc gia kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình trên không gian mạng, quyền lợi và sự an toàn của người dân và doanh nghiệp của họ ắt sẽ được bảo đảm.

Thanh Huyền