Theo thống kê của Báo Tuổi trẻ, cả nước hiện có 55 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến sức khỏe. Còn GS, TS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng 30 cơ sở đào tạo ngành Bác sĩ Y đa khoa. Trong số đó, chỉ có 11 trường đại học trực thuộc Bộ Y tế, một vài cơ sở đào tạo thuộc Đại học Quốc gia và Đại học vùng, còn lại hầu hết là cơ sở đào tạo ngoài công lập. Điều này đã dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành Y, bởi đây là ngành nghề đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

26 năm trước, tôi là học sinh chuyên khối B (toán, hóa, sinh); cả lớp tôi chỉ có một bạn dám đăng ký thi Học viện Quân y và Đại học Y Hà Nội. Bạn này học rất giỏi, đoạt giải nhất toàn quốc môn sinh học kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thi vào Học viện Quân y, bạn đạt 28 điểm mà vẫn trượt vì kỳ thi năm đó, điểm trúng tuyển của Học viện này là 28,5. Kể lại câu chuyện này để thấy, những năm trước đây, đầu vào của trường y rất cao, đơn vị đào tạo Ngành Y cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trường nào cũng có bề dày truyền thống và bệnh viện thực hành đầy đủ, thế mà chất lượng đào tạo bác sĩ của nước ta cũng chưa thể so với các nước tiên tiến. Vậy mà bây giờ, số lượng cơ sở đào tạo phát triển “thần tốc” thì chất lượng sẽ đi về đâu?

Ở Việt Nam hiện nay, một bác sĩ có thể hành nghề ngay sau khi tốt nghiệp chương trình đại học y khoa 6 năm. Trong khi ở Mỹ, một bác sĩ thực sự được hành nghề phải trải qua quá trình đào tạo tối thiểu 10 năm. Trước tiên, phải tốt nghiệp cử nhân 4 năm và vượt qua quá trình xét đầu vào nghiêm túc với nhiều tiêu chí: Thi đầu vào, xét điểm chương trình cử nhân, viết bài tự luận vì sao chọn Ngành Y, có giáo sư giới thiệu và cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp với trường y.  Nếu được nhận vào học trường y, người học phải trải qua hai giai đoạn. Hai năm đầu, sinh viên phải thi chứng chỉ thực hành y khoa 1, đạt mới được học tiếp. Sau khi kết thúc năm thứ tư, sinh viên phải thi chứng chỉ thực hành y khoa 2, đạt sẽ được công nhận bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể hành nghề. Họ buộc phải thi nội trú bệnh viện, học từ 2-7 năm, sau đó thi chứng chỉ thực hành y khoa 3, đạt sẽ được làm bác sĩ thường trú trong bệnh viện; khi đó có thể được hưởng 50% lương, được kê toa nhưng phải có sự giám sát của giáo sư hướng dẫn. Hoàn thành chương trình thường trú, họ phải thi chứng chỉ hành nghề, đạt mới trở thành bác sĩ khám chữa bệnh chính thức.

Với một lộ trình đào tạo chặt chẽ như vậy nên nước Mỹ chưa bao giờ đào tạo đủ số lượng bác sĩ so với nhu cầu của xã hội. Hiện nay, trên toàn nước Mỹ có khoảng 650.000 bác sĩ đang hành nghề nhưng số đào tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 75%. Nghề bác sĩ ở Mỹ cho thu nhập rất cao, nhưng không vì vậy mà họ đào tạo ồ ạt, số lượng cơ sở đào tạo không phát triển “thần tốc” như ở ta vì tiêu chuẩn để mở trường y là vô cùng khắt khe.

Trả lời những băn khoăn, lo lắng của các chuyên gia về việc xuất hiện các cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe một cách “ồ ạt”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Tất cả các cơ sở được cấp phép đào tạo đều đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT về mở nhóm ngành sức khỏe. Tuy nhiên, chính các chuyên gia trong Ngành Y tế cũng đã chỉ ra “lỗ hổng” đó là: Về giảng viên cơ hữu, các cơ sở đào tạo ngoài công lập thường đăng ký cả những giáo sư, tiến sĩ tuổi rất cao; những người này trên thực tế tham gia rất hạn chế về quá trình đào tạo. Về bệnh viện thực hành, những cơ sở đào tạo mới thành lập khó có được bệnh viện thực hành đạt yêu cầu, có khi họ liên kết với các bệnh viện lớn để gửi sinh viên đến thực tập nhưng mức độ ràng buộc lỏng lẻo, sinh viên khó được hướng dẫn, thực hành đến nơi, đến chốn... Và hơn hết, việc có quá nhiều trường đào tạo sẽ dẫn đến chất lượng đầu vào giảm, chất lượng đầu ra khó kiểm soát, dễ mất cân đối trong đào tạo ngành nghề cho xã hội.

Nghề y là nghề đặc biệt, một người bác sĩ nếu mắc sai sót trong quá trình điều trị có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân. Đây là điều mà những người có thẩm quyền cấp phép đào tạo nghề y phải thấy rõ tính chất đặc biệt quan trọng khi ra quyết định của mình.

Tôi cho rằng, rất cần phải kiểm tra lại điều kiện, tiêu chuẩn của tất cả các cơ sở đào tạo ngoài công lập mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp phép!

Thanh Hà