Tròn 20 năm kể từ khi cơn bão Linda tàn phá vùng đất phía Nam của Tổ quốc, làm gần 3.000 người chết và mất tích (năm 1997), cơn bão 12 (Damrey) lại đổ bộ vào Nam Trung Bộ. Một sự lặp lại dù có ngẫu nhiên hay quy luật cũng để chúng ta dễ làm một phép so sánh, rồi rút ra những kinh nghiệm xương máu.
Cựu Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ - lúc bấy giờ trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão Linđa vừa bộc bạch với cơ quan truyền thông rằng: Điều đau xót nhất rút ra từ cơn bão Linđa là sự chủ quan của người dân và hạn chế về phương tiện thông tin đã đưa đến thảm cảnh đau lòng. Đúng là đau lòng thật, khi xem lại những thước phim tư liệu cảnh bà con miền Tây tràn ra bãi biển xem bão, để rồi...
Nếu nói về cường độ thì bão Linđa không mạnh hơn bão 12 vừa rồi, nhưng từ những bài học xương máu, chúng ta đã tích cực, chủ động trong phòng chống bão; đặc biệt là sự vào cuộc hết sức quyết liệt của lãnh đạo các địa phương; vừa tuyên truyền, hỗ trợ, thậm chí cưỡng bức di trú, mới hạn chế được tổn thất. Nói như vậy, chúng ta đều bày tỏ sự xót thương, chia sẻ với những người thiệt mạng trong cơn bão vừa qua, không phải họ chủ quan, mà vì những nguyên do bất khả kháng.
Trước bão số 12 là bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh. Bão tan, về quê, tôi chứng kiến những đổ nát hoang tàn sau bão, nhưng không bi lụy đau thương. Gặp người thân, câu cửa miệng đều là: May quá, bão to, sóng biển tràn đê..., nhưng chủ động nên không ai can chi!
Thiên nhiên ngày càng nghiệt ngã. Bão tố không từ một vùng đất nào trên dải đất chữ S này. Vì vậy càng cần nhắc nhau: Chủ quan là chết!
Duy Nguyễn