“Làm đúng thẩm quyền, làm hết thẩm quyền; làm sao công tác thanh tra phải hiệu lực, hiệu quả”, là câu nói của ông Tạ Hữu Thanh - cố Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) lúc sinh thời, làm việc với cơ quan Thanh tra (CQTT) các cấp.

Đúng vậy, đây đang là “khâu yếu” là điều tiếc nuối; nếu nhìn vào các vụ việc sai phạm, tiêu cực; thậm chí tham nhũng gần đây mà Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đưa vào diện “chỉ đạo”.

CQTT sinh ra làm nhiệm vụ giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra (CTTT), tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật, (Điều 5, Luật Thanh tra 2022). Nguyên tắc hoạt động của CQTT là “Tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác”.

Mục đích hoạt động thanh tra, nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, (Điều 4, Luật Thanh tra 2022).

Hay nói cách khác, thực chất CTTT là một phương thức của kiểm tra, là chức năng của quản lý, là công cụ của người lãnh đạo, người quản lý. Không có hoạt động thanh tra (HĐTT), thì không có quản lý nhà nước đầy đủ. Nhiệm vụ, hay gọi là “sứ mệnh” vinh quang nhất của CQTT, HĐTT chính là phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi bổ sung. Điều này quyết định “tầm” của CQTT, HĐTT.

Đáng tiếc, chúng ta chưa đạt đến “tầm” ấy. Thậm chí, khi phát hiện ra bất cật, lạc hậu, “trói buộc” cuộc sống, sơ hở làm cho tiêu cực phát sinh (thậm chí tham nhũng), nhiều kiến nghị của CQTT cũng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, thay thế. Tức là, HĐTT không có hiệu lực, hiệu quả; và nói không quá thì đang có thực tế cơ quan quản lý nhà nước “xem thường” CQTT. Điều này xuất phát từ thực tế, CQTT là cơ quan “thanh tra thủ trưởng”.

Hãy trở lại vụ việc tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm (HĐĐK) mà dư luận đang rất quan tâm để thấy, khi buông lỏng CTTT, thì hậu quả sẽ nguy hiểm như thế nào?

Từ khi tiêu cực trong HĐĐK bị phanh phui, chủ phương tiện cơ giới khốn khổ, thiệt hại lớn cho chuỗi giá trị. Chỉ cần nêu thực trạng đơn hàng phải giao trong khi xe đến hạn buộc phải kiểm định mới được lưu hành, gây ách tắc lưu thông, sản xuất và tiêu dùng.Nền kinh tế thiệt hại lớn nếu tình trạng này kéo dài, không được xử lý dứt điểm.

Sẽ có nhiều bài học quý rút ra sau khi “khép lại” vụ án trong HĐĐK. Tuy nhiên, có vấn đề rất lớn, cốt lõi đó là “thể chế luật pháp” - nhìn từ góc độ quản trị quốc gia, quản trị ngành, kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho xã hội. Điều này, lại bắt đầu từ nguyên nhân yếu kém từ HĐTT của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Rất may, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nắm chắc vấn đề, chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ, không thể vì vụ án trong HĐĐK làm “đứt gãy” chuỗi giá trị. Ngay từ đầu năm nay, khi dự hội nghị tổng kết của Bộ GTVT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc nhở, xảy ra vụ đăng kiểm ô tô là do cơ chế sinh ra tiêu cực, "không thể để cái bình thường thành cái bất bình thường, ô tô xếp hàng cả đêm chờ đăng kiểm". Báo chí cũng đã tích cực vào cuộc, phân tích, mổ xẻ những bất cập, lạc hậu của “cơ chế” đăng kiểm.

Điều 6, Luật Thanh tra, năm 2022 quy định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước”. Đáng tiếc, hiện nay, không mấy “thủ trưởng” sâu sát chỉ đạo; ngay việc “phê duyệt” kế hoạch thanh tra hằng năm cũng đâu có thuận lợi. Đây là điều hết sức nguy hiểm khi các “lợi ích nhóm” luôn hình thành, phát triển ở nhiều cấp độ, hiện diện khắp nơi, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Cũng theo Luật Thanh tra, năm 2022, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm...  

Theo dõi các vụ án lớn, nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện “chỉ đạo”, chúng ta thấy, thường bắt đầu từ HĐTT của Thanh tra Chính phủ. Điều này cho thấy, cấp Thanh tra địa phương, Bộ, ngành hoạt động còn rất yếu. Đấy là chưa nói, nhiều tiêu cực, tham nhũng phát sinh ở ngay trong lòng CQTT, như vụ CQTT Bộ Xây dựng bị bắt quả tang, truy tố về tội “Kạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” ở Vĩnh Phúc. Khôi hài nhất là bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh (đã bị tuyên án 15 năm tù giam), chính là Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Bộ Xây dựng

Câu hỏi đặt ra ở đây là CQTT đi thanh tra “người khác” thì ai sẽ “thanh tra” lại CQTT?

Từ Tâm