Đường 20 là trục ngang trọng yếu trong hệ thống 21 trục ngang của tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thời gian mở đường 20, tôi là Trưởng phòng Tổ chức Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh 559; được giao nhiệm vụ cùng cơ quan Cục xuống thực địa công trường thường xuyên.

Đường 20 còn được gọi là đường Quyết Thắng, có chiều dài 125 cây số, khởi nguồn là khu vực Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, chạy qua dốc U Bò, Cà Roòng, ngầm Ta Lê, nối sang đường 128 tại Lùm Bùm (Lào). Vị trí “chọc thủng” Trường Sơn để tiến sang Lào ở 17,6 vĩ độ bắc.

Để có được con đường này, từ mùa hè năm 1965, Bộ trưởng Bộ Giao thông Phan Trọng Tuệ đã chủ trì một cuộc họp với đại diện Bộ Tư lệnh 559, Bộ Tư lệnh Công binh, Ty Giao thông tỉnh Quảng Bình để bàn kế hoạch mở đường. Sau đó, Bộ Tư lệnh 559 phối hợp cùng Ty Giao thông Quảng Bình và một đoàn cán bộ của Bộ Giao thông do anh Nam Hải - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Giao thông dẫn đầu vào khảo sát, cắm tuyến. Công trường thi công đường 20, do anh Phan Trầm - Chuyên viên của Bộ Giao thông làm Chỉ huy trưởng, anh Vũ Quang Bình - cán bộ Đoàn 559 làm Chính ủy. Lực lượng gồm Trung đoàn 4, Trung đoàn 10 công binh, 4 đội TNXP của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nam Hà và trên 100 cán bộ, chuyên viên kỹ thuật của Bộ Giao thông.

Công trường 20 có nhiệm vụ thi công 65km đường từ Phong Nha vào Ta Lê. Đây là đoạn khó khăn, phức tạp nhất. Gần hai phần ba quãng đường này phải mở qua núi đá, với nhiều dốc, đèo hiểm trở, mới nghe đã rợn người: Cù Mẹ, Cù Con, U Bò; đặc biệt là dốc Ba Thang. Nhiều người khẳng định hạ được dốc Ba Thang coi như thông đường 20.

Sáng mùng một Tết Bính Ngọ - tức ngày 27-1-1966, lễ khởi công đường 20 được tiến hành tại Công trường 20. Anh Nguyễn Tường Lân - Phó Tư lệnh Đoàn 559 (sau này là Thứ trưởng Bộ Giao thông) phát lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên, mở đầu chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng giao thông Quảng Bình đón Tết vui xuân không phải bằng pháo Tết mà bằng những phát đại pháo với lượng nổ hàng trăm ký TNT.

Có dịp xuống thực địa nắm tình hình, động viên các đơn vị mở đường 20, tôi đã được chứng kiến không khí lao động quên mình, quên thời gian của bộ đội, TNXP trên công trường này. Các đội TNXP làm xen kẽ cùng bộ đội, nhưng được bố trí thi công những địa đoạn dễ hơn.

Ở công trường của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 10 đang hạ dốc Ba Thang, tôi đã chứng kiến những người lính công binh ngất nghểu đứng trên đỉnh chiếc thang lênh khênh, dài bằng ba chiếc thang tre bình thường nối lại; cột mình hàng giờ vào sườn núi, đục đá để tra bộc phá. Hết tốp này đến tốp khác; loạt này phát hỏa xong lại tiếp loạt khác. Liên tục như vậy nửa tháng trời, Tiểu đoàn 3 đã sử dụng gần một nghìn lượng bộc phá với hơn 9 tấn thuốc nổ để hạ gục dốc Ba Thang. Tin vui này làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên toàn tuyến, mặc cho máy bay địch không để cho họ yên cả ngày lẫn đêm.

Sau gần hai tháng tập trung cao độ nhân vật lực, kỹ thuật, phương tiện thi công, trung tuần tháng 4-1966, đường 20 - con đường của ý chí, quyết tâm được tạo dựng bằng tâm sức, máu xương của những người lính Trường Sơn, TNXP, công nhân giao thông đã hoàn thành cơ bản. Ngày Bộ Tư lệnh 559 nghiệm thu để đưa vào sử dụng, chúng tôi đi dọc gần một trăm cây số đường rừng khá kín đáo mà phong quang, huyền diệu. Đường chạy dưới ba tán lá rừng già nguyên sinh. Nhưng thật đau lòng, cũng như đường 128 trước đây, chỉ qua một mùa vận chuyển, địch tập trung không quân đánh phá, huy diệt, tất cả lại hoàn nguyên đất đá. Con đường kính đáo, huyền diệu kia bị đào xới, quằn quại, như con trăn khổng lồ bị băm nắt bởi hàng vạn tấn bom đạn của kẻ thù và chất độc khai quang… Nhưng không bom đạn, mưu mô ngăn chặn quỷ quyệt nào của kẻ thù chặn cắt được con đường huyết mạch chảy về Nam.

Nghĩ đến đường 20 Quyết Thắng, trong tôi lại trào lên niềm xúc động khôn tả. Giờ đây, biết bao du khách thập phương, cả trong và ngoài nước đến du lịch Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên, Di sản thế giới, hỏi có ai nghĩ đến khởi nguồn nơi ấy vào những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã có biết bao người lính Trường Sơn, nam nữ TNXP đã đánh đổi máu xương và tuổi thanh xuân của mình để làm nên đường 20 Quyết Thắng - Đường Hồ Chí Minh, làm nên một Kỳ công - Kỳ tích - Kỳ quan (lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) của Việt Nam và nhân loại trong thế kỷ XX?

Duy Tường ghi theo lời kể của Thiếu tướng Võ Sở