Tôi về thăm Phân đội tên lửa B7, Đoàn Cờ Đỏ, Đoàn B61, quân chúng Phòng không – Không quân vào một ngày cuối tháng 8. Nắng thu vàng như lụa chiếu lấp loá lên những cánh đồng hoa và rau màu tươi tốt ven sông Hồng. Cả khu doanh trại có các dãy nhà khang trang và những dàn tên lửa sơn màu xanh lá cây thấp thoáng bên tán cây nhãn, cây vải xum xuê, râm mát. Ngay cả khu kỹ thuật nằm trên một quả đồi nhỏ, có chiếc ra-đa ngạo nghễ cũng chỉ nhô cao hơn vườn cau vua một chút. Ra đón tận mảnh sân xi măng là thiếu tá, chính trị viên Đỗ Xuân Thành, một chàng trai Thái Bình cao lòng khòng, nhưng nhanh nhẹn và dễ mến. Vừa pha trà, anh vừa giới thiệu rằng Phân đội của anh thành lập ngày 13-11-1965, đã bắn rơi 25 máy bay các loại của Mỹ, trong đó trận Điện Biên Phủ trên không tháng chạp năm 1972 bắn rơi 4 chiếc B52 (có 3 chiếc rơi tại chỗ). Chẳng thế mà ký xong Hiệp định Pa-ri về đến sân bay Nội Bài, cố vấn Lê Đức Thọ đã bảo lái xe đưa thẳng về đây. Ông cụ yêu cầu tập trung đơn vị rồi chỉ nói một câu: Cảm ơn các đồng chí, cảm ơn quân và dân Hà Nội đã cùng các tỉnh miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của địch, tạo thắng lợi trên bàn đàm phán. Phân đội được tuyên dương Đơn vị Anh hùng tháng 9- 1973. Thế rồi ngày 21-2-1995 trận địa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Nhà nước, được đón nhiều đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội và khách quốc tế đến thăm. Tôi ngắm nhìn bia Di tích có một quả tên lửa bằng thép trắng đang kéo theo dải khói cũng màu trắng bay vút lên trời xanh mà lòng cảm phục, tin yêu.

Hiện nay, đơn vị có nhiệm vụ chính trị thường xuyên là nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời Tây bắc Thủ đô, nhiệm vụ quan trọng là huấn luyện, tham gia giữ gìn trật tự an toàn trên địa bàn đóng quân. Có thể nói đại uý, phân đội trưởng Văn Quốc Cường là “lính con nhà nòi” cũng không sai, bố anh là một cán bộ cao cấp trong quân đội, anh nhập ngũ bằng con đường tuyển sinh quân sự, tốt nghiệp Học viện Phòng không, rồi trưởng thành lên. Anh cho biết: Tháng này, Phân đội đang trực ban chiến đấu khối A, mà trực ban khối A thì cắm trại 100% quân số, còn một kíp chiến đấu thì phải hơn 100 người mới đủ. Vừa rồi chính trị viên Thành có vợ là giáo viên được nghỉ hè đã xin nghỉ phép 4 ngày (là thứ 7, chủ nhật, thứ 2 và thứ 3) để cùng sửa nhà nhưng sáng sớm thứ 2 đã phải lên đơn vị…

Công tác huấn luyện cũng khẩn trương không kém, chất lượng năm sau phải cao hơn năm trước, nhưng máy tập, đồ dùng, dụng cụ lại xuống cấp, nhận thức, trình độ cán bộ, chiến sĩ không đồng đều, sĩ quan đào tạo cơ bản, quân nhân chuyên nghiệp, bộ đội năm thứ hai, năm thứ nhất đều có. Khác với bộ binh, khi vào trận, một người có thể vận động khắp chỗ này, góc kia để tiêu diệt địch, nhưng bộ đội tên lửa, muốn đưa quả đạn lên trời phải có sự hiệp đồng của cả kíp chiến đấu, trong kíp lại có các kíp nhỏ như kíp chỉ huy, kíp trắc thủ, kíp xe, máy, đạn… trong đó mỗi người một vị trí khác nhau. Thế mới gọi là: “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”. Chính trị viên Đỗ Xuân Thành tâm sự: Thời gian đầu huấn luyện, kết quả như dậm chân tại chỗ, rời rạc, bị động. Ban chỉ huy sốt ruột, tìm hiểu, nghiên cứu rồi phát huy dân chủ trong quân sự, yêu cầu các kíp tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần tập, cán bộ chia nhau đi dự, chỉ ra từng động tác nhanh chậm, mạnh, yếu của từng người. Từ chỗ trấn chỉnh từng vị trí mà khi cấp trên kiểm tra Phân đội cũng rèn luyện được một kíp chiến đấu đạt loại giỏi, một kíp loại khá. Huấn luyện cho các đối tượng đúng, đủ nội dung, 100% đạt yêu cầu, tỷ lệ khá giỏi đối với cán bộ đạt 84%, kỹ thuật viên đạt 63%, hạ sĩ quan, chiến sĩ 85%. Ngoài ra còn luyện tập trên không được 24 lần, luyện tập mặt đất 24 lần, thông tin liên lạc đạt 99,6%, thông tin thông báo đảm bảo 100%.

Năm nào Phân đội cũng có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong huấn luyện. Cái “cây cải tiến” ấy là thượng uý Đặng Xuân Trường, 27 tuổi đại đội phó, đại đội 1. Năm 2009 anh có công trình cải tiến: “Thiết bị điều chỉnh vị trí lệch ngang xe tuyến”, cho bộ ăng ten nặng 14 tấn, mang lại hiệu quả: giảm thời gian, giảm công sức bộ đội, sử lý tốt các tình huống trong trong quá trình triển khai, thu hồi ăng ten, đoạt giải nhì sư đoàn.Trung sĩ Đỗ Tiến Mai, 21 tuổi, nhập ngũ năm 2007, là trắc thủ điều khiển tâm sự: Về Phân đội B7 em phải học thêm tiếng Nga, và phải học ngày, học đêm, học trong luyện tập mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vì các khí tài thường do Nga sản xuất và ghi chữ Nga, có học mới biết. Còn binh nhất Nguyễn Tiến Giáp, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội, nhập ngũ tháng 9-2008 thì bẽn lẽn: Em tốt nghiệp phổ thông trung học thì nhập ngũ, được về một đơn vị Anh hùng, bảo vệ Thủ đô thì cả nhà đều phấn khởi, nay em là một trắc thủ giỏi. Vẫn chính trị viên Đỗ Xuân Thành cho biết: Nhiều năm nay đơn vị không có cán bộ, chiến sĩ phải đưa ra kiểm điểm vì vi phạm kỷ luật. Ngoài giờ trực chiến, luyện tập, anh em tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, trong 6 tháng đầu năm 2009, bình quân một đầu người có 81 kg rau xanh, 24 kg thịt xô, 8 kg cá tươi, 0,5kg lạc… trị giá gần 400.000 đồng, tính cả đơn vị là trên 32,5 triệu đồng. Mức sống này so với những gia đình khá giả cũng chẳng kém gì.

Ngay từ lúc bước vào Sở chỉ huy, tôi đã chú ý đến căn nhà ở phía sau. Bên ấy có một bộ phận thông tin làm việc liên tục, không ngừng nghỉ. Tiếng ma-níp, tiếng đàm thoại: một, hai ba, bốn, năm, sáu, bảy… sông Hương gọi, Hồng Hà xin nghe… Cửu Long gọi Hồng Hà xin nghe… sao mà tha thiết và hối hả. Hình như là thông báo tình hình ở trên bầu trời cao xanh kia. Những chuyến bay thường nhật, những chuyến bay bất thường các anh đều chú ý, đều tậm tâm, cho một ngày bình yên, vì sông Hồng vẫn chở nặng phù sa, đất nước trong thời kỳ hội nhập, Thủ đô đang phát triển và tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tô Kiều Thẩm