Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Những ngày cuối tháng 2-1975, càng gần đến ngày ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột thì công tác đảm bảo bí mật cho trận đánh càng được Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đề cao. Bằng mọi biện pháp, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã làm hết sức mình để địch không phát hiện được lực lượng, cũng như ý đồ tiến công của ta ở Buôn Ma Thuột. Tuy vậy, vẫn có những tình huống nằm ngoài dự kiến xảy ra.

Chuyện là vào cuối tháng 2-1975, trên đường vào chuẩn bị cho trận đánh Đức Lập, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 - Hồ Đệ ghé qua Sở chỉ huy Sư đoàn 320. Sở chỉ huy Sư đoàn 320 lúc này đứng chân ở tây nam Đức Cơ, thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Mục đích Sư đoàn trưởng Hồ Đệ ghé vào Sở chỉ huy là để biết tình hình đơn vị bạn và nhân thể thăm bạn cũ - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 - Kim Tuấn. Mặc dù buổi gặp mặt giữa hai Sư đoàn trưởng là hết sức tình cờ nhưng không hiểu từ nguồn tin nào địch lại biết được cuộc gặp mặt này. Thông tin địch biết được cuộc gặp mặt giữa Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 ở thời điểm này là thông tin vô cùng quan trọng đối với địch.

Ở chiến trường Tây Nguyên từ trước đến thời điểm đó, địch luôn theo dõi sát sao sự di chuyển của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 (hai Sư đoàn chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên). Chúng luôn cho rằng các Sư đoàn này di chuyển về đâu thì ở đó sẽ có đánh lớn và như thế, qua việc Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 gặp nhau, chúng sẽ phát hiện được hướng tiến công của ta ở Buôn Ma Thuột rồi tìm cách đối phó. Nếu thực sự như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn cho trận then chốt Buôn Ma Thuột của ta sắp tới.

Ngay sau khi biết tin địch phát hiện được cuộc gặp giữa Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên lập tức có cuộc họp khẩn, tìm cách đối phó. Sau khi rà soát các thông tin, Bộ Chỉ huy chiến dịch biết cuộc gặp này diễn ra trên đất Gia Lai giáp Đắk Lắk chứ chưa phải Đắk Lắk. Có thể địch sẽ có những phán đoán, suy diễn ta đánh Buôn Ma Thuột. Tương kế, tựu kế, để tiếp tục lừa địch, không cho chúng phát hiện được hướng tấn công chính của ta ở Buôn Ma Thuột, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định:

- Lệnh cho Sư đoàn 968 tiến công ngay vào một số cứ điểm vòng ngoài thị xã Pleiku như Đồn Tầm, Chốt Mỹ, Thanh An, Chư Gôi, điểm cao 605 và dùng pháo lớn bắn vào thị xã Pleiku, sân bay Cù Hanh.

Sau khi nhận được bức điện của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 - Thanh Sơn vẫn băn khoăn, không biết đây là bức điện của ta chỉ đạo đánh thật hay chỉ là bức điện giả, lừa địch vì ngay từ đầu chiến dịch, Sư đoàn 968 đã được giao nhiệm vụ đánh nghi binh, chia cắt địch giữa Pleiku và Kon Tum, giữa Pleiku và Buôn Ma Thuột. Mang băn khoăn đó, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 gọi điện hỏi Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên - Nguyễn Quốc Thước. Mặc dù đứng, ngồi không yên với thông tin địch biết được cuộc gặp giữa Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nhưng Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước vẫn hóm hỉnh trả lời Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968:

- Đối với Sư đoàn 968 là đánh thật. Còn đối với Chiến dịch là đánh giả. Các anh đánh làm sao để địch lầm tưởng là ta đang chuẩn bị cho đánh lớn vào Pleiku và Kon Tum. Không cho địch phát hiện được ý đồ chính của ta là đánh vào Buôn Ma Thuột!

Thực hiện ý đồ chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, 14 giờ ngày 1-3-1975, Sư đoàn 968 nổ súng tiến công hàng loạt vị trí của địch bao quanh thị xã Pleiku như điểm cao 605, Đồn Tầm, Chốt Mỹ và dùng pháo lớn bắn vào sân bay Cù Hanh.

Ở hướng Kon Tum, Trung đoàn 29 cũng tiến hành cắt giao thông trên đường 14 từ Gia Lai đi Kon Tum ở đoạn Chư Thoi, rồi đánh chiếm các điểm cao Ngọc Bay, Ngọc Quăn.

Đang ở Nha Trang, được tin quân ta đánh mạnh xung quanh Pleiku và đang bắn pháo lớn vào sân bay Cù Hanh và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Phạm Văn Phú - Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy đã vội vã ra lệnh rút Trung đoàn 45 đang lùng sục ở Buôn Ma Thuột trở về Pleiku, đúng với ý đồ của ta là không cho địch điều quân về phòng thủ Buôn Ma Thuột. Có thể nói đây là một cuộc đấu mưu trí thành công của ta đối với địch, làm cho địch hoàn toàn bị mắc lừa mưu kế của ta. Nghi binh lừa địch thành công đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang Buôn Ma Thuột ngày 10 và 11-3-1975.

Nguyễn Đình Thi ghi  theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước