“Chạy theo” để sửa sai đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng đang rất phổ biến của các nhà quản lý nước ta sau mỗi sự cố.
Nghĩa là sau mỗi sự việc gây hâu quả thì các nhà quản lý mới bổ nháo, bổ nhào vào kiểm tra, thanh tra, xác minh và mới ớ ra là đã để tồn tại những lỗi “chết người” này từ rất lâu.
Còn nguyên tính thời sự phải kể đến vụ NXB Thời Đại bán giấy phép cho tư nhân để kiếm lợi nhuận từ việc in sách đã làm cho các lỗi sai ngớ ngẩn: Biên tập không xin ý kiến tác giả; sách có nội dung thiếu tích cực; in, phát hành trái quy định… Sự việc chỉ bị phát giác khi sách phát hành, tác giả của những tác phẩm in trong sách phát hiện ra đâm đơn kiện, các nhà quản lý mới biết và mới vào cuộc họp hành, kiểm điểm, thanh tra, kiểm tra, mới vỡ ra rằng sai phạm của nhà xuất bản Thời Đại chỉ là một trong rất nhiều những lỗi sai mà các NXB khác đã từng gặp phải.
Nghĩa là còn rất nhiều những NXB nữa lâu nay vẫn “bán cái” như NXB Thời Đại. Nghĩa là không chỉ tác phẩm “Bút sen xanh”; không chỉ “Văn hóa tộc người Việt Nam”; không chỉ “Đại Việt sử ký toàn thư” mà còn rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng khác bị các NXB nối dài khác cắt xén, biên tập cẩu thả! Một người trong nghề nói với tôi, xuất bản sách bây giờ cẩu thả đến mức có bản thảo cuốn sách lên khuôn in rồi mà hầu như không ai đọc! Còn đọc “nhẩy trang” thì phổ biến. Sản phẩm văn hóa mà như thế thì nguy thật rồi.
Lỗi của NXB Thời Đại là rất nghiêm trọng, nhưng nó cũng lập tức được khắc phục nếu trước đó có một cán bộ, thậm chí một nhân viên kiểm duyệt nào đó phát hiện nhắc nhở.
Hàng loạt các cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an… đi đâu hết cả rồi?
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sách báo là hàng hóa mà với tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý thế này thì không xảy ra sai sót mới là chuyện lạ.
Công tác quản lý không thể chạy theo “chữa cháy” mãi như thế này được. Phải học lại “văn hóa công chức” thôi./.

Thục Anh