Cơ sở pháp lý:
Ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 9-11 – Ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 là Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là ngày Pháp luật Việt Nam); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: "Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội".
Cụ thể hóa Điều 8. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 4-4-2013 Chính phủ đã ban hành nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, nội dung, hình thức, trách nhiệm hướng dẫn nội dung, tình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật được cụ thể hóa tại Chương 2 của Nghị định.
Nội dung tổ chức Ngày Pháp luật (Khoản 1, Điều 6 Nghị định 28):

  • Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội.
  • Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật.
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
  • Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
  • Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật.thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.
  • Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
    Hình thức tổ chức Ngày Pháp luật (Khoản 2, Điều 6, Nghị định 28):
    Mít tinh, hội thảo, tọa đàm
    Thi tìm hiểu pháp luật.
    Tuyên truyền phổ biến pháp luạt lưu động, triển lãm
    Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp
    Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trọng nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là ngày pháp luật.
    An Hà