Chủ tịch Ủy ban AU - Moussa Faki Mahamat lên án các hành động vi phạm nguyên tắc của AU.

Từ tháng 8-2020 đến nay, đã có tới 8 cuộc đảo chính quân sự ở 6 nước châu Phi là Mali, Guinea, Sudan, Burkina Faso, Niger và sự kiện mới nhất diễn ra ở Gabon ngày 30-8-2023. Châu Phi vẫn là khu vực kém phát triển nhất trên thế giới. Dù có khởi nguồn từ nguyên nhân nào thì các cuộc động binh để giành chính quyền thay vì bầu cử trong hòa bình cũng là vi hiến. Vậy nên, khi sự vi phạm hiến pháp của giới quân sự nhiều nước châu Phi kể trên đã đẩy khu vực khó khăn này của thế giới vào vòng xoáy của đói nghèo và bạo loạn.

Điểm qua lại những mất mát mà khu vực này phải trải qua có thể thấy ngay một số cột mốc chết: Hằng chục năm bị Pháp và các nước phương Tây đô hộ; làn sóng “cách mạng hoa nhài” kéo theo bạo loạn và lật đổ chính phủ nhiều quốc gia Bắc Phi; sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); thảm họa Covid-19; các cuộc xung đột sắc tộc, quân sự, chiến tranh triền miên.

Vậy nên, cuộc đảo chính ở Niger trong tháng 7, ở Gabon vào cuối tháng 8-2023 chỉ là một nét màu tô rõ hơn nhưng bất ổn ở khu vực. Điều này không chỉ làm đau đầu Liên minh châu Phi (AU) mà còn nhiều quốc gia liên quan và cả Liên Hợp quốc, giữa lúc thế giới đang chìm trong các cuộc xung đột, cạnh tranh toàn diện và nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trước diễn biến ở Gabon, Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU nhấn mạnh: Nhu cầu cấp thiết phải xem xét lại tính hiệu quả của “các phản ứng truyền thống của AU" đối với những trường hợp thay đổi chính phủ bất thường ở châu Phi. Cơ quan này cũng bày tỏ quan ngại trước sự chậm trễ của các hành động hướng tới khôi phục trật tự hiến pháp ở một số quốc gia thành viên AU. Bên cạnh đó, AU bày tỏ lo ngại về sự tồn tại dai dẳng, sự tái xuất hiện và nổi lên của các mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình ở châu Phi, như: Khủng bố, xu hướng cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, thay đổi chính phủ vi hiến, xung đột nội bộ, hoạt động phi pháp của các nhóm vũ trang, sự gia tăng của các chiến binh nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các dòng tài chính bất hợp pháp và hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. AU cho rằng những mối đe dọa này do cả con người và tự nhiên tạo ra.

Với danh sách những mối đe dọa kể trên mà AU tự xác định, có thể thấy rõ các cuộc binh biến cản trở các quá trình và nỗ lực vực dậy nền kinh tế các nước trong khu vực khi không có hòa bình và ổn định. Tuy vậy, đó vẫn chỉ là những mối đe dọa từ nội bộ các quốc gia châu Phi trong khi yếu tố tác động từ bên ngoài không thể nói là không có. Ví dụ, tuy Niger giành độc lập từ Pháp nhưng vẫn có quan hệ kinh tế với nguyên “mẫu quốc” và Pháp vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở quốc gia này.

Các yếu tố tác động tới châu Phi có thể thấy rõ hơn khi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng ở vùng đất vốn ít được quan tâm này của thế giới. Trung Quốc đã sớm nhanh chân thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nhiều quốc gia ở đây. Nga cũng mới mời các quan chức của các nước thuộc AU tới St. Petersburg để dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai và đưa ra nhiều cam kết, hỗ trợ mạnh mẽ các nước trong khu vực. Mỹ và các nước châu Âu cũng chẳng chịu thua kém khi ngấm ngầm can thiệp hoặc dùng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” để ngăn các nước lớn hợp tác với châu Phi hoặc giành lợi thế kinh tế cho mình.

Tưởng rằng châu Phi sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ khi các ông lớn nỗ lực tiếp cận khu vực. Vậy mà, những gì diễn ra ở châu Phi trong những năm gần đây vẫn chỉ là một gam màu tối đầy những bất ổn và tiêu cực. Hơn ai hết, chính từng quốc gia ở khu vực này phải tự xác định rõ con đường phát triển phải dựa trên độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định. Cả khối AU cũng cần có mô hình liên kết tương trợ, hợp tác chặt chẽ hơn, không chỉ đứng ngoài lên án hay đe dọa can thiệp quân sự để ứng phó với đảo chính quân sự. Bài học bị can thiệp từ bên ngoài, để mất ổn định chính trị dẫn tới khó khăn về kinh tế - xã hội không phải bài học mới nhưng nó lại rất khó thực hiện ở châu Phi hiện nay.

         Thanh Huyền