Mỹ đã củng cố vững chắc liên minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ - Joe Biden có vẻ đã xử lý tốt các mối quan hệ với đồng minh trong khi vẫn bảo đảm các lợi ích của Mỹ mà không ồn ào như cách làm của chính quyền tiền nhiệm.

Hơn bao giờ hết, hợp tác quân sự với hai đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc được củng cố trong khi hai nước Đông Bắc Á này vẫn sẵn sàng “móc hầu bao” phóng khoáng hơn để chia sẻ chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại khu vực. Trong chiến lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, trụ Đông Bắc Á đã được củng cố một cách chắc chắn.

Trong khi chính quyền của ông Donald Trump phải lớn tiếng ép Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ chi phí duy trì lực lượng Mỹ đóng tại hai quốc gia này với các cuộc họp ồn ào, làm hình ảnh đồng minh sứt mẻ thì hơn 83.000 quân Mỹ ở Đông Bắc Á giờ đây lại không phải là một gánh nặng kinh tế đối với ông Biden.

Với Nhật Bản, ngày 5-12, các nguồn tin ngoại giao cho biết nước này đã chấp thuận yêu cầu của Washington trả thêm chi phí cho hoạt động đồn trú của các lực lượng quân sự Mỹ tại nước này, bắt đầu từ tài khóa 2022. Theo đó, dự kiến Nhật Bản sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ trước khi Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio đưa ra quyết định về dự thảo ngân sách cho tài khóa bắt đầu từ tháng 4-2022 vào cuối tháng 12-2021.

Việc đàm phán chia sẻ chi phí song phương được thực hiện 5 năm một lần và như vậy có thể hiểu là trong vòng 5 năm tới, hai nước sẽ không phải bàn nhiều về vấn đề chia sẻ tài chính. Cùng với các cuộc diễn tập diễn ra đều đặn, việc Mỹ và Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác trong nhóm Bộ Tứ thời gian qua đã minh chứng cho một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên đà thành công của Mỹ.

Với Hàn Quốc, việc hợp tác có vẻ còn suôn sẻ hơn. Ngày 2-12, tại Hội nghị Tham vấn An ninh (SCM) thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc - Suh Wook và người đồng cấp Mỹ - Lloyd Austin đã phê duyệt "Hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược", một văn bản hướng dẫn cập nhật các kế hoạch tác chiến thời chiến (OPLAN) giữa Seoul và Washington. Theo hướng dẫn chiến lược này, Ủy ban Quân sự Hàn - Mỹ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của hai nước có thẩm quyền phê duyệt một kế hoạch chiến tranh do Bộ Tư lệnh các lực lượng hỗn hợp Hàn - Mỹ (CFC) soạn thảo.

Như vậy, khi OPLAN đã được thông qua, các tướng lĩnh của Mỹ và Hàn Quốc lại như có trong tay “thượng phương bảo kiếm” để sẵn sàng ứng phó với các tình huống quân sự mới. Đây là bước tiến chủ động hơn cho Hàn Quốc, bởi quốc gia Đông Bắc Á này trao quyền chỉ huy tác chiến đối với binh sĩ nước này cho Bộ Tư lệnh Liên Hợp quốc do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Chưa dừng lại ở đó, cũng tại SCM vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã cam kết vào năm 2022, triển khai đánh giá toàn bộ năng lực vận hành (FOC), giai đoạn thứ 2 trong kế hoạch 3 giai đoạn nhằm xác định khả năng sẵn sàng tiếp nhận Quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) của phía Hàn Quốc. Đây mới là bước khẳng định vai trò độc lập hơn của Hàn Quốc về quân sự, tránh phụ thuộc vào Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng rảnh tay hơn khi đồng minh của mình đủ sức để “tự cường” trong một khu vực đầy bất ổn. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định duy trì quân số 28.500 binh sĩ Mỹ hiện đang triển khai ở Hàn Quốc.

Dù nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang lâm vào bế tắc, những động thái kể trên trong quan hệ của Mỹ với hai đồng minh ở Đông Bắc Á là minh chứng rõ ràng, khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực. Câu hỏi đặt ra là, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo khi đã củng cố vững chắc trụ cột đồng minh ở Đông Bắc Á?

Thanh Huyền