Lai Đồng là một thôn nghèo của xã Đức Đồng, một vùng bán sơn địa, người dân ở đây sống nhờ vào đồng ruộng, chăn nuôi và trang trại. Các hộ gia đình thường ở cách xa nhau và nép mình vào những sườn đồi, xung quanh được bao bọc bởi một con suối chảy ra sông Ngàn Sâu. Từ bao đời nay, người dân đi làm đồng, các cháu học sinh đi học đều phải đi qua một chiếc cầu tạm bắc qua con suối. Con suối bình thường nước chảy róc rách, nhưng đến mùa mưa lũ thì nước lũ đổ về cuốn trôi đi nhà cửa, trâu bò, vật nuôi. Những chiếc cầu tạm bắc qua suối cũng bị trôi theo dòng nước lũ. Năm này qua tháng khác, cứ sau mỗi mùa lũ dữ, việc đầu tiên của các gia đình là lo đi bắc cầu để cho con em tới trường và người lớn ra đồng sản xuất. Ước mơ có một cây cầu bê tông bền vững ở thôn Lai Đồng thật là khó.
Thế rồi cách đây 3 năm, khi có chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” làm dấy lên phong trào “Hiến đất, hiến cây” trong các gia đình nông thôn. Chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ phù hợp với lòng dân và đã đánh thức được lòng yêu nước, yêu quê hương trong mỗi người dân Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng và đến tận những người dân xa xôi ở thôn Lai Đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, ai cũng mong có con đường vào làng thoáng mát, ruộng nương được quy hoạch bề thế, những cánh đồng mẫu vươn dài, những trang trại tiền tỷ để cuộc sống của người dân thôn Lai Đồng sớm thoát khỏi đói nghèo.
Với CCB Bùi Xuân Đại, ngoài những mong muốn đó, ông còn ấp ủ một ước muốn là làm sao có được cây cầu bắc qua con suối. nối liền hai thôn cho các cháu tới trường, cho các gia đình ra đồng cày cấy không phải lội bộ qua suối, không phải căng mình trên những cây cầu khỉ. Làm sao để khi mùa lũ về, cầu không trôi đi được, không có người bị lũ cuốn? Nghĩ là vậy, nhưng “lực bất tòng tâm”, nói ra có người còn bảo ông “lẩn thẩn”. Bà Phạm Thị Lan, vợ ông là người biết rõ ý định của ông. Bà không dấu nổi vẻ xúc động, bởi vì bà cũng đã một thời đi dân công hỏa tuyến, nay trở về cùng ông lo toan cuộc sống, mọi gian nan vất vả đều có vợ, có chồng, lẽ nào để mình ông phải cáng đáng. Bà nhỏ nhẹ nói: “Ông Đại à, ông cứ tính đi, số tiền định làm nhà, cưới vợ cho con, tôi cho ông mượn làm cầu, thiếu bao nhiêu đi vay ngân hàng…”. Ông Đại nghe vợ nói vậy, trong lòng mừng lắm nhưng chưa dám nói ra, mãi tới khi đứa con trai đang đi lao động bên Hàn Quốc biết tin bố có ý định làm cầu, đã gọi điện về nói “con ủng hộ bố”, thế là ông Đại quyết định… làm cầu. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào chuyện lại không đơn giản. Thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật xây dựng, chưa ai làm cầu lớn bao giờ, với lại làm cầu để người và xe máy đi qua thì dễ, nhưng để ô tô vào được lại khó.
Đến lúc này ông Đại mới báo cáo lên Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể cấp xã, mong mọi người hiến kế. Với những góp ý chân thành, ông bỏ công đi thuê người vẽ thiết kế, thuê giám sát công trình, rồi thuê luôn cả thợ. Nhẩm tính từ lòng suối lên tới mặt cầu phải cao đến 7m, muốn ô tô con qua được, người và trâu bò đi lại thuận tiện thì mặt cầu phải rộng 3,5m, tạm tính sơ sơ ban đầu tốn đến 250 triệu đồng, một số tiền lớn đối với người nông dân một xã nghèo. Ngày khởi công nhiều người bán tín, bán nghi nên không đến dự, thế nhưng khi cây cầu đã hiển hiện lên 3 nhịp, dài 10m, rộng 3,5m, cao 5m thì có rất nhiều người tới xem. Nhiều gia đình hội viên CCB, nhiều bà trong thôn còn mang cả chè, thuốc lá, khoai, lạc phục vụ cho tốp thợ xây cầu. Một không khí chan hòa, ấm cúng trong thôn xóm càng khích lệ việc làm của gia đình ông Đại, bà Lan.
Đến ngày cắt băng khánh thành thông cầu và đưa vào sử dụng thì không những các hộ dân ở thôn Lai Đồng mà nhân dân trong xã kéo về xem đông lắm. Họ bàn tán rôm rả chuyện một ông CCB, thương binh sống bằng đồng lương hưu, trợ cấp thương tật mà dám cả gan vay tiền xây cầu, đúng là như chuyện cổ tích.
Những người biết rõ nhất, sâu sát nhất, khen ngợi CCB Bùi Xuân Đại chính là các đồng chí trong Đảng ủy và UBND xã Đức Đồng. Họ kể lại: Ông Đại đã có 21 năm cống hiến trong quân đội, từng là người lính chiến đấu trên mặt trận Trung Lào trong những năm đánh Mỹ, về hưu với quân hàm Đại úy, thương tật 3/4. Khi ông đặt ba lô xuống sân nhà, cũng là lúc cấp ủy đang rất cần một người làm cán bộ Chi hội CCB, lúc đó năm 1989, Hội CCB mới được thành lập. Không chút do dự, ông nhận nhiệm vụ và đưa Chi hội CCB thôn Lai Đồng hoạt động đi vào nề nếp, được bà con nhân dân tin tưởng, mến phục. Đến năm 2006, ông được bầu vào BCH Hội CCB xã Đức Đồng và giữ chức Phó chủ tịch. Nhiệm kỳ 2012-2017, ông được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Đức Đồng. Ban đầu chỉ có hơn 100 hội viên, đến nay Hội CCB xã đã có trên 420 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội, năm nào cũng được cấp trên khen thưởng. Thực hiện phong trào “CCB chung tay xây dựng NTM”, năm 2010, Hội CCB xã Đức Đồng là đơn vị đầu tiên tổ chức sân khấu hóa các tiêu chí xây dựng NTM, được Chủ tịch UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh hội Hà Tĩnh đánh giá rất cao và cho nhân rộng ra các Hội xã trong toàn tỉnh. Cho đến nay phong trào thi đua “CCB chung tay xây dựng NTM” ở xã Đức Đồng, Hội CCB đã nhận chôn 1.200 cột mốc giới theo quy hoạch, phát quang đường làng ngõ xóm 3.200m, làm 200m đường giao thông nông thôn, 1.200m giao thông nội đồng, khơi thông 3.000m mương máng, hiến hàng trăm mét đất, bờ rào và đóng góp hàng ngàn ngày công vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Đồng Hoàng Văn Khoa cho biết: Gia đình bác Đại còn khó khăn, bản thân bác ấy là thương binh, Chủ tịch Hội CCB xã, sống nhờ vào đồng lương hưu và trợ cấp. Năm 1993, gia đình bác Đại không may bị hỏa hoạn thiêu rụi cả nhà, mất hết tài sản, vì vậy để nuôi được 3 người con trưởng thành thật gian nan, vất vả. Chuyện người dân hiến đất, hiến cây để tham gia xây dựng NTM ở huyện Đức Thọ đã không còn xa lạ, nhưng có một CCB, một gia đình tự bỏ tiền ra làm một cây cầu trị giá gần 300 triệu đồng thì bác Đại là một. Cây cầu không những mang lại lợi ích kinh tế, phục vụ sinh hoạt cho bà con thôn Lai Đồng, bảo đảm an toàn khi mùa lũ đến, mà thông qua “Cầu ông Đại”, cán bộ và nhân dân xã Đức Đồng càng ghi nhận và biết ơn sự hi sinh to lớn của những người lính, những CCB gương mẫu, suốt đời vì nhân dân phục vụ. Từ cây “Cầu ông Đại”, phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng giữa đời thường, để lại tiếng thơm cho con cháu và bà con ở thôn Lai Đồng. Thay mặt cho bà con nhân dân xã Đức Đồng, chúng tôi chỉ biết thốt lên 2 từ: Cảm phục.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi