Thật may, đang bối rối chưa biết có cách nào làm rõ vụ việc ngay trong cái tháng “củ mật” bấn bíu để kết thúc trọn vẹn năm cũ, thì chúng tôi được Đại tá CCB Hoàng Duy - nguyên kỹ sư quân khí, từng công tác ở Bộ Quốc phòng, người cùng quê với “ông Tây” - kể cho nghe tường tận. Thì ra, tỉnh Khánh Hòa có một người mắc chứng tâm thần kiện cáo. Anh ta thích săn tìm chuyện tiêu cực, đôi khi chỉ là hiện tượng, hoặc chỉ “nghe nói”, đã hăng hái viết thành đơn, thuê đánh máy cẩn thận, rồi đóng phong bao gửi đi khắp cả nước. Chuyện tố cáo “ông Tây” là một trong những “sản phẩm” ấy, nghe có vẻ đúng, đúng về hình thức, đúng là có “ông Tây” thật, nhưng là một “ông Tây” từng là sĩ quan tình báo của ta, từng được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng! Đại tá Hoàng Duy nói:

  • “Ông Tây” này có tên thật là Jean Moreau, con cụ Martila Moreau - thuộc lớp người Âu sang Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. Cha Jean trước làm ở Sở Thuế quan, về hưu mở trang trại nuôi trồng ở Bãi Tràm - vùng chót của bán đảo Cù Mông, nay thuộc xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu, Phú Yên. Thuở nhỏ, Jean có gia sư người Việt dạy tại nhà, lớn lên, theo học ở Quy Nhơn, sau đó ở Huế. Đang sắp thi ra làm viên chức thì cha mất, Jean phải về bãi Tràm chăm sóc mẹ và bốn em nhỏ. Cũng như Jean, từ khi nhập quốc tịch Việt Nam có tên tiếng Việt là Dương Bá Lộc, các em anh cũng mang một loạt tên mới: Dương Ngọc Anh (kế sau Lộc) và các em gái Dương Ngọc Lan, Dương Thúy Hồng, Dương Thúy Liễu; Mẹ Jean - Bà Rân (Colette), thành Dương Thị Lệt!
    Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là khi Pháp lăm le trở lại xâm lược nước ta, một gia đình Pháp Kiều như trường hợp nhà Lộc - tức Jean, khó tránh khỏi phiền phức: Đã có lần, Lộc bị du kích “mời” lên huyện, may gặp lại gia sư cũ - thày Võ Khắc Kiệm là cán bộ huyện, bảo lãnh, anh mới khỏi bị rắc rối. Cũng chính nhờ cuộc gặp này, nhờ thầy Kiệm “giác ngộ” khuyến khích, mà Lộc đi theo cách mạng, trở thành cán bộ phong trào ở xã. Nhiều lần, bà con vùng Xuân Cảnh (Sông Cầu) đã nô nức rủ nhau “Đi nghe “ông Tây” tuyên truyền chống xâm lược… Tây”! Ngọc Lan - em gái Lộc, cũng là nhân tố tích cực ở địa phương. Từ hoạt động, quen biết, đến gắn bó, Lan trở thành vợ anh Phạm Duy Trinh, công an tỉnh, do vậy mà Lộc cũng được giao nhiều công tác hơn và gia đình cũng trở thành cơ sở tin cậy hơn của cách mạng. Bỗng đùng một cái - khoảng đầu năm 1948, vợ chồng Trinh - Lan, cùng Lộc và Dương Ngọc Anh biến mất; tiếp theo là những lời đồn “có cánh”: “Bọn Tây ấy chạy vào Nha Trang theo… Tây rồi”. Làng xóm nổi giận, bao nhiêu bực bội trút cả xuống đầu bà Lệt, không ai nghĩ họ đang thực thi nhiệm vụ trà trộn vào hàng ngũ địch mà cơ quan tình báo Khu 6 giao cho.
    Vừa vào trình diện ở Nha Trang, cái “tốp ten” này được chính quyền Pháp tin dùng ngay. Trinh được nhận vào làm việc ở Sở Bồi thường nạn nhân chiến tranh; Lộc thì được điều về Sở Kinh tế Nam Trung Kỳ; rồi thoắt cái, lại được bổ nhiệm Phó Công sứ (Phó tỉnh trưởng) tỉnh Khánh Hòa. Với lợi thế là “quan Tây”, Lộc thường la cà trong các khách sạn, các câu lạc bộ có nhiều viên chức và sĩ quan Pháp ở để thu lượm tin tức, cung cấp cho em rể Phạm Duy Trinh báo cáo lên Chiến khu. Lộc cũng đảm nhiệm cả việc mua vũ khí, thuốc men, nhu yếu phẩm chuyển ra vùng kháng chiến. Chính công việc này đã khiến Lộc suýt phải xa Việt Nam: Chả là mụ vợ tên chủ Sở Công chánh Pháp thua bạc, giấu chồng bán đi hàng tấn thuốc nổ. Bị phát hiện, mụ khai bán cho Phán (người chèo thuyền đưa mấy anh em Lộc từ Bãi Tràm vào Nha Trang; đồng thời cũng là một đầu mối tình báo). Thế là sau khi bắt Phán, lần theo đường dây, phòng nhì Pháp bắt cả “tốp ten” kia và dù không đủ chứng cớ, chúng vẫn giao cho Tòa án tỉnh Khánh Hòa xét xử. Tên Chánh án Sammareelli kênh kiệu bảo Lộc: “Dẫu anh có theo Việt Minh thật chăng nữa, tôi cũng không xử, vì chỉ làm tăng thêm thanh thế cho họ… Thôi thì trục xuất anh về Pháp là hơn cả…”. Nhưng chúng chưa kịp làm, thì Lộc đã trốn ra vùng tự do, nhập vào Trung đoàn 84 Tây Nguyên - Trung đoàn do cố Đại tướng Đoàn Khuê làm Chính ủy. Lộc tiếp tục làm quân báo; tháng 1-1950, được kết nạp vào Đảng. Hòa bình 1954, Lộc có mặt trong đoàn quân tập kết ra Bắc.
    Thuở ấy, với lý lịch “phức tạp” của Lộc, lại đã từng bị địch bắt, thật khó sắp xếp công tác cho anh. Lộc mất một thời gian dài long đong: Anh đang làm đại đội trưởng, thì bị điều đi làm giáo viên bổ túc văn hóa; đang trông coi nhà truyền thống, thì lại bị điều sang phụ trách bản tin đơn vị; mà làm phóng viên cũng đâu yên, có lần đi lấy tin, còn bị dân quân Thanh Hóa bắt vì nghi là giặc lái Mỹ. Cái quý ở Lộc là dù trên giao việc gì, anh cũng vui vẻ, tận tụy hết lòng. Chính điều này càng làm người chỉ huy và cơ quan cán bộ quan tâm, cố gắng chọn cho Lộc một việc làm phù hợp, cuối cùng, thì cũng bố trí được cho Lộc vào “chân” trợ lý văn hóa chuyên trách của quân đội sau khi gửi anh qua trường Đại học Sư phạm. Nhờ nghề này, mà khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Lộc chuyển ngành về trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang cũng thuận tiện. Là “ông Tây” thực thụ, nên Lộc cũng được ngành Điện ảnh mời đóng các vai “Tây” trong nhiều bộ phim như: Trung úy Mỹ trong “Rừng xà nu”; đại úy Mỹ trong phim “Lửa”; đại úy đồn trưởng Pháp trong “Hai người mẹ”; đại tá Mỹ trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; tướng Mỹ trong “Chỉ một người còn sống” và gần đây là ông bác sĩ người Pháp trong phim: “Những đứa con thành phố”… Bận thế, lại đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, song ông Lộc vẫn tích cực tham gia công tác Đảng, công tác xã hội, đơn tố cáo viết: “Có “ông Tây” làm Đảng ủy phường” là không sai đâu! Lộc cũng còn đông anh em ruột thịt đang sống giàu có ở miền Nam nước Pháp. Từ khi Nhà nước ta thực hiện chính sách mở cửa, vài ba lần họ đã qua lại thăm nhau. Ông anh (con người mẹ cả) và mấy cô em gái sẵn sàng bảo lãnh cho gia đình Lộc về Pháp định cư sinh sống, song Lộc bảo với em gái: “Việt Nam là Tổ quốc có biết bao ân nghĩa của tôi, tôi làm sao có thể xa được!...”.
    NGUYỄN PHÚC ẤM