Ông bà xưa thường dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhằm nhắc nhở chúng ta phải biết nhớ đến công lao của những người đã tạo ra những sản phẩm lao động. Tuy nhiên lớp trẻ thời nay dường phai nhạt đi giá trị ấy. Chỉ nói đến lĩnh vực văn hóa văn nghệ thôi đã có nhiều vấn đề cần bàn.

Trong âm nhạc, dường như đa phần các bạn trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến bài hát, người thể hiện, chứ không chịu tìm hiểu tác giả của ca khúc do ai sáng tác. Nói không ngoa chứ rất nhiều bạn thuộc làu làu bài hát đó nhưng khi hỏi ai sáng tác thì ngẩn người ra chẳng biết trả lời. Trên những trang web về âm nhạc, không khó để bắt gặp những thành viên đăng tải tập tin mp3, mp4, lời của bài hát X, Y, Z nào đó nhưng lại không ghi tên tác giả vào. Đôi khi ghi nhưng lại không chịu tìm hiểu trên Google Search nên ghi nhầm, thành ra sai lại càng sai. Đáng trách hơn nữa là những đoạn clip được các bạn trẻ đầu tư công phu để đưa lên kênh riêng trên Youtube theo kiểu cover (nhại lại) nhưng không màng đến tên tác giả bản gốc. Vì vậy rất nhiều clip đã bị Youtube report, xóa hẳn, ngừng phát hành vì vi phạm tác quyền.

Ở lĩnh vực văn học, chuyện xem nhẹ tác giả cũng rất nhiều. Người ta vô tư sử dụng một câu thơ, câu nói bất hủ của một tác giả nào đó trên dòng timeline Facebook nhưng lại không đề tên, cứ y như rằng nội dung đó do mình nghĩ ra, rất khó coi. Hiện tôi còn giữ những dòng lưu bút của bạn bè thời THPT, cứ nghĩ đó là những câu thơ do bạn mình trong lúc xúc động đã nghĩ ra nhưng giờ mới biết là của tác giả Bích Khê, Nguyễn Bính, Xuân Diệu... Dễ thấy nhất là ở học sinh. Trong lúc các bạn làm bài tập làm văn, khi trích dẫn câu danh ngôn, câu thơ vào bài viết thường quên dẫn tên tác giả vào. Là giáo viên dạy ngữ văn, đã rất nhiều lần tôi nhắc nhở học sinh đừng quên chuyện này nhưng đâu lại vào đấy. Thành ra các em thường bị trừ điểm dù là bài văn hay.

Ngày còn học đại học, ở tất cả các môn học, những giảng viên luôn dạy sinh viên chúng tôi cần phải biết tôn trong tác giả khi làm một bài tiểu luận, nghiên cứu khoa học, hay luận văn... Nếu bài viết thiếu trích dẫn nguồn là các thầy cô cho điểm kém ngay mà không đợi chúng tôi phân bua lý do gì. Từ những điều khắt khe như thế đã giúp chúng tôi biết trân trọng đối với thành quả lao động của người khác cũng như chính mình.

Vì vậy mọi người nên lưu tâm vấn đề này, nhất là các bạn trẻ. Đừng nghĩ dùng một câu thơ, một câu nói của người khác mà không thèm ghi tên chú thích chẳng có gì to tát thì đó là điều sai lầm. Nó sẽ là tiền lệ tạo ra thói quen xấu trong suốt cuộc đời chúng ta, đó là sự ích kỷ, vô ơn. Bởi những sản phẩm lao động của người khác tạo ra, để chúng ta thụ hưởng, phải trải qua những quá trình gian khó, kỳ công. Đó là chưa nói việc sử dụng chất xám, sản phẩm của người khác nhưng không chịu ghi tên tác giả, dẫn nguồn có thể sẽ bị kiện vì vi phạm Quyền tác giả.

Đặng Trung Thanh