Tại báo cáo mới nhất gửi Quốc hội về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng năm 2024, Bộ GTVT cho biết, 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 97 vụ ùn tắc giao thông, tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Phân tích nguyên nhân cho thấy, ùn tắc do tai nạn giao thông 62 vụ (chiếm 63,92%), sạt lở đất 13 vụ (13,4%), do lưu lượng phương tiện đông 7 vụ (chiếm 7,22%), do sự cố phương tiện 5 vụ (5,15%), do mưa lớn 4 vụ (chiếm 4,12%), nguyên nhân khác 6 vụ (chiếm 6,19%).

Bộ GTVT cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM có xu hướng tăng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn. Nguyên nhân do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.

Hà Nội tăng thêm 9 điểm ùn tắc giao thông

Riêng tại Hà Nội, 9 tháng năm 2023, Thành phố đã rà soát trên địa bàn phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, nâng tổng số điểm đen ùn tắc lên 37 điểm.

Ngoài nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, còn có nguyên nhân do các rào chắn thi công các dự án gây hẹp lòng đường (17 điểm), do hạ tầng chưa đồng bộ (10 điểm) và do quá tải kết cấu hạ tầng (10 điểm).

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã xử lý được 3/37 điểm (gồm Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo; Đại La – Trần Đại Nghĩa và Ngã Tư Vọng).

Tại TPHCM, đầu năm 2023, trên địa bàn có 24 điểm đen tai nạn giao thông. Qua theo dõi, đến tháng 6/2023 có 3 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 10 điểm không chuyển biến.

Tại khu vực trong và ngoài Cảng hàng không Tân Sân Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5, 2/9.

Cần thiết phát triển vận tải khách công cộng

Một trong những giải pháp quan trọng để kéo giảm ùn tắc giao thông mà Bộ GTVT, cũng như các thành phố đưa ra, đó là phát triển vận tải hành khách công cộng, thu hút người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GTVT cho biết, vận tải khách công cộng đang phục hồi khi hầu hết các địa phương đều đã có tuyến xe buýt hoạt động từ trung tâm thành phố đi đến các trung tâm kinh tế-xã hội của các huyện, thị trấn. Vận tải khách công cộng hàng năm vận chuyển được khoảng trên 1 tỷ lượt hành khách góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân tại các đô thị và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang từng bước đưa vận tải đường sắt đô thị vào hoạt động đã thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng của người dân.

Tại Hà Nội, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông có hơn 10.000 người đi vé tháng; ngày bình thường có khoảng 32.000-34.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28.000-30.000 lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 6.000-8.000 người, bước đầu xây dựng thành công thói quen và văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị của người dân thủ đô.

Còn tại khu vực TPHCM, tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên đang trong quá trình chạy thử, dự kiến khi đưa vào hoạt động cũng sẽ góp phần cải thiện thị phần vận tải giao thông công cộng của thành phố.

VPCP