Theo các chuyên gia tài chính, việc quản lý chặt để giữ ổn định thị trường vàng là hướng đi đúng, nhưng phải theo nguyên tắc thị trường.

Giá vàng hiện nay đã lại tăng cao hơn những ngày đầu năm và vẫn tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 17 triệu đồng mỗi lượng, đã không chỉ gây rủi ro lớn cho những người “chơi” vàng, mà còn “khuyến khích” nhập lậu vàng.

Quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”

Liên tục trong nhiều tháng qua, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới, thậm chí còn có hiện tượng biến động “ngược sóng”:Trong khi giá vàng thế giới giảm khoảng 2% so với đầu năm thì giá vàng miếng trong nước lại tăng tới 6% (lên quanh mức hơn 78 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn tăng 2% so với giá đầu năm).  

Theo giới chuyên môn phân tích thì khi lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp như hiện nay, còn các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu kém hấp dẫn, bất động sản gần như đứng yên, thì vàng là kênh đầu tư để “trú ẩn” được nhiều người lựa chọn cũng là tất yếu. Thế nhưng với mức giá chênh lệch cao hơn rất nhiều so với giá thế giới và lại rất khó dự báo, thì biến động giá vàng trong nước đang được cảnh báo là vừa rất rủi ro cho người “chơi vàng”, vừa đồng thời khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào trong nước - Chỉ cần gõ từ khóa “buôn lậu vàng” trên Google thì có thể thấy hàng loạt các bài báo phản ánh các phi vụ buôn lậu vàng qua biên giới với mục đích trục lợi.

Không thể để giá vàng trong nước chênh cao so với thế giới như vậy. Các giải pháp bình ổn thị trường vàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến, như việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 24), về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được bàn tới. Nhưng giới chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng và phải xóa bỏ độc quyền về vàng miếng SJC thì mới khắc phục được tận gốc tình trạng trên.

Hơn 10 năm qua (kể từ năm 2012),quản lý bằng Nghị định 24, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại chặt chẽ hơn, nhưng đến nay thì một số quy định đã không còn phù hợp. PGS.TS. Ngô Trí Long đã chỉ ra một cách hình ảnh là: “Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, nên khó hội nhập vàkhông liên thông được với thế giới. Ông nói: “Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có ngân hàng trung ương (NHNN) nước nào như nước ta lại duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng”. Ông phân tích: “Như thế là vừa thực hiện chức năng kinh doanh vàng, vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng, dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu. Việc quản lý này đã lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh”.

Quản lý chặt không có nghĩa là cấm đoán

Nhấn mạnh về việc phải thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, PGS.TS. Ngô Trí Long nói: “Trước hết cần quán triệt các nguyên tắc quản lý thị trường vàng trong nền kinh tế thị trường”. Hiện NHNN điều tiết thị trường bằng hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của doanh nghiệp) mà bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường, dẫn đến bế tắc trong lưu thông, tạo ra khan hiếm cung - cầu giả tạo, dẫn đến sự chênh lệch giá trong nước với giá thế giới vô lý như hiện nay”.

Với việc cấm giao dịch vàng qua tài khoản, mà chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất đã vừa gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu, vừa tăng chi phí cho doanh nghiệp, lại khiến các “sàn vàng” mở trái phép khiến khó quản lý, còn Nhà nước thì khônghuy động được một lượng lớn vàng trong dân (ước khoảng 500 tấn - theo tính toán của Hiệp hội Kinh doanh vàng).

TS. Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng thuộc NHNN cũng cho biết: “Thế giới cũng không có một Ngân hàng trung ương (NHTW) nào quản lý thị trường vàng và quản lý vàng dưới dạng hàng hóa. Mà NHTW chỉ quản lý vàng ngoại hối”. Ông đề nghị, nước ta nên sớm thí điểm thành lập sàn giao dịch vàng liên thông với quốc tế và phải xóa độc quyền thương hiệu vàng SJC. Khi không còn độc quyền, khi liên thông với quốc tế vàng sẽ không bị tư nhân thổi giá. Khi thị trường vàng trở về bình thường thì sẽ lập tức hết nhập lậu qua biên giới, đồng nghĩa với không bị “chảy máu” ngoại tệ. Sau khi hoàn thiện khuôn khổ và hành lang pháp lý cho giao dịch vàng -coi vàng là hàng hóa bình thường thì để Bộ Công thương quản lý thị trường vàng. NHTW chỉ quản lý vàng ngoại hối.

Cũng cùng quan điểm, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Cần tính đến việc lập sàn giao dịch vàng và coi vàng là một hàng hóa thông thường, không nhất thiết phải độc quyền. Vì khi còn độc quyền vàng miếng, khi thiếu liên thông, giá vàng chênh lệch lớn, người có nhu cầu sở hữu vàng, phải mua vàng với một giá rất cao, tạo ra không bình đẳng giữa những vàng miếng khác với vàng SJC. Đây cũng là nguyên nhân nữa sinh ra buôn lậu!  

PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh: Chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng, khuyến khích thị trường vàng trang sức như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh. Và NHNN chỉ điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng. Còn hiện nay NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, lại trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu vàng thông qua xuất - nhập và điều tiết thị trường, nên phảigánh rủi ro của thị trường. Nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào Việt Nam vừa nhanh hơn, vừa cân bằng được giá trong nước với giá thế giới. Nghĩa là, NHNN ta nên trả vàng về cho thị trường và chỉ giám sát về khối lượng, khi cần thì mới giám sát cả giá.

Tóm lại, theo các chuyên gia tài chính, việc quản lý chặt để giữ ổn định thị trường vàng là hướng đi đúng, nhưng quản lý chặt không có nghĩa là cấm đoán mà phải theo nguyên tắc thị trường. Quản lý bằng việc đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch cần và đủ để thực hiện, cũng như hiệu quả trong quá trình giám sát của các cơ quan nhà nước. Cụ thể hơn, việc sửa đổi Nghị định 24 là rất cần thiết và sửa đổi theo hướng toàn diện hơn, kể cả các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức, ví dụ như thực hiện chứng chỉ vàng, vàng tài khoản...

Phan Chí Khải