Ngày 3-6, Quốc hội tiếp tiếp tục thảo luận về những quy định, tiêu chuẩn ứng cử đối với các đại biểu Quốc hội. Các vấn đề được tập trung thảo luận đó là về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay. Rất nhiều ý kiến đánh giá đây là quy định mang tính định tính, chung chung, khó áp dụng trong thực tế. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định “cứng” luôn tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số trong dự luật, tránh gây khó khăn trong quá trình triển khai, tỷ lệ phân bổ đại biểu là người dân tộc thiểu số cần nghiên cứu, quy định để đảm bảo tỷ lệ người dân tộc thiểu số tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân sau này. Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương, đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ. Thực tiễn cũng cho thấy tại mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương lại có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau, từ đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi khóa cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, kết quả bầu cử chủ yếu lại phụ thuộc vào lá phiếu thể hiện sự tín nhiệm của cử tri đối với từng ứng cử viên. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội; dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8); trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình. Đồng thời, quy định việc dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, Điều 3 dự thảo quy định: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.” Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu ở trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. Nội dung này quy định ngay trong dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cử tri, “cử tri không cần mua đến 3,4 quyển luật để biết được quyền của mình.”

Hoàng Linh