Biểu hiện của bệnh gút cấp
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Lực - nguyên Giám đốc Trung tâm Xương khớp, Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện E Hà Nội cho biết: Cơn viêm cấp của bệnh gút xuất hiện sau khi uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều thịt (nhất là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt chó, thịt trâu), phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lòng), hải sản (tôm) hoặc bệnh xuất hiện sau lao động nặng, sang chấn tinh thần, sau nhiễm khuẩn cấp, sau dùng một số thuốc...
Đa số gút cấp biểu hiện rõ nhất là khớp sưng to, đặc biệt là khớp ngón chân cái, cổ chân, khớp gối hoặc khớp ngón tay, bàn tay (thường một bên). Khớp đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và tăng dần, chỉ cần va chạm nhẹ cũng rất đau, thay đổi mọi tư thế đều không dịu đi. Bệnh gút cấp thường xảy ra về đêm nhiều hơn, người bệnh đang ngủ phải tỉnh giấc vì khớp rất đau (nhất là khớp ngón chân cái, cổ chân), thậm chí đau dữ dội ngày càng tăng (chạm vào cũng đau). Thông thường một cơn gút cấp tính gây sưng, đau nhất trong vòng 12-24 giờ đầu tiên.
Bệnh có thể tái phát ít nhất vài ba lần hoặc hơn thế trong một năm. Để chẩn đoán bệnh gút chủ yếu dựa vào tính chất lâm sàng, tiền sử bệnh, xét nghiệm acid uric máu, chụp Xquang khớp đau.
Cách phòng bệnh gút
Để phòng tránh bệnh gút, bác sĩ Nguyễn Thị Lực khuyên:

  • Bổ sung nước: Nước giúp loại bỏ acid uric khỏi cơ thể, vì vậy cần tăng cường uống nước giúp phòng tránh được bệnh thống phong.
  • Tránh ăn quá nhiều đạm động vật: Các thực phẩm chứa nhiều purine như nội tạng động vật (gan, thận, não, lách), cá trồng, cá trích, cá thu, sò, trai,... Các loại thức ăn cay, nóng. Nên ăn nhiều hoa quả và rau; uống các loại nước khoáng thiên nhiên chứa bicarbonat. Ngoài ra, cần tránh làm việc quá sức và ăn uống quá mức, không để cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc táo bón.
  • Tăng cường thực phẩm chứa ít purine: Những loại thực phẩm như ngũ cốc, các loại hạt, rau nhiều chất xơ là những thực phẩm có lượng purine thấp. Những thực phẩm này có tác dụng giảm nồng độ acid uric trong máu. Quả anh đào và quả mâm xôi được các chuyên gia khuyên nên dùng.
  • Giảm béo: Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách giảm cân từ từ giúp giảm nồng độ acid uric máu, đồng thời giảm bớt sự chịu đựng sức nặng của các khớp. Tuy nhiên không nên nhịn đói để giảm cân nhanh vì như vậy lại càng làm tăng acid uric máu.
  • Không uống rượu, hạn chế uống bia, đồ uống có ga: Trong một công trình nghiên cứu, người ta thấy rằng ở nhóm người uống khoảng 1 lít bia trở lên trong một ngày có tỷ lệ bị gút gấp 2,5 lần so với nhóm người uống hạn chế.
  • Kiểm tra định kỳ sức khỏe 6 tháng một lần, nếu thấy có dấu hiệu của bệnh gút hãy nhanh chóng khám và điều trị ngày còn sớm.
    Thành An