Các cụ già kể lại, giống cam sành ở Hàm Yên được trồng từ rất lâu đời, sớm nhất là trên đất Phù Lưu. Có lẽ khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng ở đây hợp cho cam sành phát triển, nhiều vườn cam có doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Hấp thụ những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát lành, cam Hàm Yên mang hương vị đặc trưng. Hiện nay huyện có 7.022ha cam (chủ yếu là cam sành), trong đó diện tích cho sản phẩm là hơn 4.000ha. Năm 2016, năng suất cam sành đạt 267,6 tạ/ha, sản lượng đạt 104.000 tấn (tăng gấp đôi so với năm 2015), giá trị thu nhập gần 700 tỷ đồng. Ðến nay, toàn huyện có 4.735 hộ dân với 5.874ha trồng cam, đạt hơn 80% số hộ ký cam kết thực hiện sản xuất cam theo hướng an toàn; có gần 130ha cam trồng theo quy trình VietGAP với 55 hộ tham gia. Năm 2013, cam sành Hàm Yên được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; được xếp hạng vào Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Năm 2014, được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013 vànăm 2015, đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Để có được những kết quả to lớn như ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền, ngành chức năng của huyện và Hội cam sành Hàm Yên đã có sự hỗ trợ, định hướng và chỉ đạo thực hiện quyết liệt với hàng trăm cuộc họp tuyên truyền phổ biến, những quy chế, quy định nghiêm ngặt với người trồng cam. Chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra gắt gao trước, trong và cả sau vụ cam, đảm bảo người trồng cam không bảo quản cam bằng bất cứ hình thức nào. Bên cạnh các giống cam truyền thống, huyện đưa vào nhiều giống cam mới như cam Valencia, cam Xã Đoài, BH 32, cam mật không hạt... nhằm đa dạng hóa giống cam, kéo dài thời gian thu hoạch cho người dân. Việc trồng cam giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Phù Lưu, một trong những xã chiếm tới gần 1/2 sản lượng cam của cả huyện vài năm trở lại đây đã “thay da đổi thịt” nhờ cây cam sành. Hiện Phù Lưu có hơn 50 trang trại cam, diện tích trung bình từ 3-5ha/trang trại. Số hộ dân trồng cam có thu nhập từ 300 triệu đồng/vụ trở lên có hơn 100 hộ.
Cây cam sành không chỉ thay đổi đáng kể đời sống người dân sở tại, mà cả người dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Gia đình ông Nông Khánh Hòa từ huyện Nà Hang di dân về thôn Nà Có, xã Phù Lưu sinh sống đã dành tiền hỗ trợ mua 7ha cam, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện gần như 100% hộ tái định cư về Phù Lưu có đất trồng cam. Anh Lù Văn Giang, thôn Bản Ban, xã Phù Lưu chia sẻ, từ 300 gốc năm 2005, đến nay anh đã có trang trại 13ha với 3.000 gốc cam, mỗi năm lãi gần 1 tỷ đồng. Gia đình anh Phạm Ðình Lưu, xã Yên Lâm trước đây thuộc diện hộ nghèo có hơn 2ha đất chỉ trồng ngô, sắn. Từ năm 2010, chuyển sang trồng cam, sau ba năm bắt đầu cho quả và hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với các loại cây trước đây, mỗi năm lãi khoảng 500 triệu đồng, đã thoát nghèo và xây được nhà hai tầng, có tiền nuôi con học đại học... Theo UBND huyện Hàm Yên, vụ cam vừa qua, toàn huyện có 3.226ha cam cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 44.000 tấn, doanh thu từ cam sành toàn huyện đạt trên 500 tỷ đồng. Từ sau khi xây dựng được thương hiệu, năm 2007, UBND huyện Hàm Yên đưa cam sành đến với hầu hết các siêu thị lớn, các hội chợ lớn trong cả nước, hiện cam Hàm Yên có mặt tại các siêu thị với lượng tiêu thụ trên dưới 1.500 tấn/vụ, chủ yếu là các siêu thị lớn tại Hà Nội như Co.opMart, Fivimart, Metro BigC... Không chỉ chính quyền vào cuộc, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cũng tham gia vào việc đưa cam sành vào các siêu thị với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Từ 1 tấn quả đầu tiên được BigC tiêu thụ năm 2011, nay đã có 1.200 tấn cam quả Hàm Yên được bán tại các siêu thị...
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, đầu tư mở rộng diện tích cây cam, huyện Hàm Yên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất cam, tạo niềm tin và yên tâm sản xuất cho người dân. Người Hàm Yên đang vươn lên làm giàu từ cây cam.
Trần Liên - Phúc Chung