Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 43 tổ chức tôn giáo ký kết Chương trình phối hợp.

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu được cả thế giới quan tâm. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức tôn giáo quan tâm và trực tiếp tham gia vào các hoạt động đấu tranh bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu. Các hoạt động đó ngày càng chứng minh được sự hiệu quả, tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu.

Ngày 22-4-2023, có tới 31 tổ chức tôn giáo của 6 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, Ý và Pháp tuyên bố sẽ ngừng đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch như một phần trong cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Thông báo thoái vốn của 31 tổ chức tôn giáo đồng nghĩa với khoản tiền hơn 2 tỷ USD của họ sẽ bị rút khỏi các công ty nhiên liệu hoá thạch. Đây là một phần trong nỗ lực hưởng ứng lời cảnh báo của Liên Hợp quốc chỉ ra rằng việc khai thác và sử dụng quá nhiều nhiên liệu hoá thạch đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và biến đổi khí hậu, lượng carbon thải ra đã vượt quá ngưỡng cho phép.

Nhiều tổ chức tôn giáo không chỉ tuyên bố thoái vốn khỏi các công ty có liên quan tới nhiên liệu hóa thạch mà còn vận động hành lang các ngân hàng và công ty bảo hiểm ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, chuyển đổi ngân hàng và hỗ trợ Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch và kêu gọi một lệnh cấm toàn cầu đối với việc phát triển nhiên liệu hóa thạch mới và đề nghị các Giáo hội ủng hộ sáng kiến này.

Tại Việt Nam, trong những năm qua các hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đã được nhiều tổ chức tôn giáo quan tâm và ủng hộ. Tháng 11-2022, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và 43 tổ chức tôn giáo tổ chức hội  nghị ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026. Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khi hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tính đến nay, cả nước có hơn 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủ ro thiên tai. Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay tiêu biểu như mô hình “Khu dân cư bảo vệ mô trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của đồng bào theo đạo Balamon tỉnh Ninh Thuận; “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” của chùa Long Quang (Núi Thành, Quảng Nam); mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” của Giáo xứ Thánh Mẫu, tỉnh Lâm Đồng…

Hoàng Linh