Rác thải nhựa đang là một vấn nạn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trong các phiên đối thoại trực tuyến liên tôn về tôn giáo và sinh thái do Liên Hợp quốc tổ chức đầu năm 2022 vừa qua, Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc đã kêu gọi các nhóm tôn giáo cùng nhau thúc đẩy việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu. Đây thực sự là một việc làm vô cùng ý nghĩa giúp đạt được thỏa thuận toàn cầu để hạn chế ô nhiễm do các loại rác thải có nguồn gốc từ nhựa.

Cuộc đối thoại lần này được kỳ vọng sẽ mang đến những giải pháp hiệu quả để từng bước giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo rằng nhựa dùng một lần đang làm nghẹt thở hành tinh. Đây cũng là cuộc đối thoại liên tôn giáo lớn nhất từ trước đến nay về tôn giáo và sinh thái, với 180 diễn giả và 20 phiên họp, được tổ chức bởi 94 tổ chức tín ngưỡng đại diện cho hơn 50 tôn giáo từ 74 quốc gia.

Bà Andersen - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc đã đề xuất các quốc gia thành viên sẽ đưa ra một thỏa thuận toàn cầu về việc hạn chế sử dụng, tiến đến chấm dứt tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, đặc biệt là đối với tình trạng rác thải nhựa được đổ thẳng xuống biển.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được sử dụng và 5.000 tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Tất cả đều được thải ra môi trường và chỉ có một phần rất ít được xử lý đúng cách.

Từ nhiều năm nay, các tác hại của rác thải nhựa đã được cảnh báo, nhiều nước trên thế giới cũng đã có những biện pháp mạnh mẽ để hạn chế tình trạng sử dụng các chế phẩm nhựa một lần. Tuy vậy hiệu quả vẫn chưa thực sự đáp ứng được so với mong đợi. Nhưng lần này chương trình kỳ vọng sẽ mang tới một sự thay đổi tích cực bởi sức mạnh của các cộng đồng tín ngưỡng và tôn giáo là rất lớn. Các chuyên gia cho rằng khi cộng đồng đức tin được huy động để hành động vì khoa học thì thế giới sẽ thay đổi.

Gần đây, các tôn giáo đã tham gia nỗ lực bảo vệ hành tinh, nổi bật là các hoạt động chống lại sự biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường cũng như hệ sinh thái. Các nhóm tôn giáo đã đi đầu trong việc trồng cây và thúc đẩy các phương pháp canh tác lành mạnh, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để bảo tồn môi trường. Chính các nhà lãnh đạo tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành những nhà giáo dục chủ chốt trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường tự nhiên.

Trần Hoàng