Nơi an nghỉ của Đại tướng hương vẫn tỏa không bao giờ dừng, hoa vẫn xếp đầy ngày này qua ngày khác. Những mùa xuân rực rỡ nắng vàng, trong cái gió nhè nhẹ mang chút hơi lạnh của biển cả đến với lòng người. Những CCB trong bộ quân phục chỉnh tề, ngực lấp lánh huân chương, đi thành hàng về đây viếng Đại tướng. Thời gian xóa bớt nỗi đau, các chiến sĩ năm xưa cầm súng ra trận dưới thời chỉ huy của vị Đại tướng giờ đây ôn lại những kỹ niệm đẹp về con người bình dị mà vô cùng vĩ đại.
Giữa mùa xuân âm áp của đất trời, tôi gặp những người lính già, bước đi khó khăn vì bệnh tật phải có đồng đội dìu đi. Quê ông ở Nghệ An, ông từng là chiến sĩ Điện Biên năm xưa mong ước có một ngày đến viếng Đại tướng, thắp nén nhang cho người Anh Cả giờ đây mới thực hiện được. Cũng như các CCB, hàng vạn người dân cũng chung niềm mơ ước. Cụ bà Lưu Thị Kim đã gần 70 tuổi, đến từ TP. Huế xúc động nói: Giờ mong ước của tôi đã thành hiện thực, tôi toại nguyện lắm rồi.
Mỗi lần đến Vũng Chùa-Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi vô cùng xúc động và cảm ơn những chiến sĩ biên phòng của Đồn Roòn anh hùng đã tận tụy chăm sóc khu mộ, tận tình với khách viếng thăm. Đồng chí Đồng Thanh Hải-Đội trưởng đội bảo vệ có mặt từ những ngày đầu khi Đại tướng về đây. Hơn ba năm, trọn bốn mùa xuân anh cùng đồng đội canh giấc ngủ vĩnh hằng cho Đại tướng. Các chiến sĩ biên phòng nơi đây ở lại với Vũng Chùa đón giao thừa, đón mùa xuân mới không một ai về nghỉ ăn tết cùng gia đình, họ đã tự nguyện với tất cả tấm lòng và cảm động trước những tình cảm sâu rộng của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước về đây viếng Đại tướng.
Tôi được một sĩ quan túc trực ngày giáp Tết Nguyên đán cho biết, mỗi ngày họ đón hàng nghìn lượt khách, những ngày cao điểm lên gần 45.000 người. Có nhiều người lên viếng mộ khó khăn vì sức khỏe, anh em có xe lăn đưa đi, nhìn họ và thấy họ khóc trước phần mộ Đại tướng, chúng tôi cũng không ngăn được niềm xúc động.
Con số mà chúng tôi ghi lại từ cuốn sổ đăng ký của Đội bảo vệ, hơn ba năm đã có hơn 300.000 đoàn với hơn 4 triệu lượt người viếng thăm, hàng chục đoàn nước ngoài đến Quảng Bình đều tới Vũng Chùa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họ vô cùng kính nể tài thao lược cầm quân chống ngoại xâm, sự thông minh và nhân cách đẹp đẽ của Người.
Đứng ở Vũng Chùa-Đảo Yến dưới chân dãy Đèo Ngang hùng vĩ, mảnh đất mà nỗi buồn của thơ Bà huyện Thanh quan năm xưa, nơi mà Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm: “Hoành Sơn nhất đái, Vạn đại dung thân” để đưa chúa Nguyễn Hoàng vào đây lập nghiệp mở đầu cho Triều Nguyễn sau này. Nơi có đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, đền thờ Mẫu linh thiêng trong lòng người dân Quảng Bình, giờ đây thờ Mẫu được công nhận là di sản vi vật thể của thế giới. Nhìn ra Đảo Yến, hòn đảo như một bức bình phong che kín cho cảng Vũng Áng, nơi đó có Trần Đạt, hậu duệ của nhà Trần vào lánh nạn, sau này phò nhà Lê đánh quân ngoại xâm được vua Lê cho lập nghiệp và mở đầu cho họ Trần của Quảng Bình. Vũng Chùa-Đảo Yến nơi quy tụ tình yêu, lòng ngưỡng mộ của nhân dân cả nước. Từ Tây Bắc xa xôi đưa hoa ban trắng về trồng. 103 cây mai vàng trước mộ Đại tướng, 13.000 cây xanh được nhân dân và Đoàn Thanh niên trồng và chăm sóc đã lên xanh và nở hoa vào mùa xuân này. Những người thợ tài hoa làm nghề đúc đồng ở Lam Kinh-Thanh Hóa miệt mài làm ra những bảo vật như trống đồng, súng thần công, súng lệnh mang về đây như lời hứa với Đại tướng, ý chí và quyết tâm bảo vệ non sông đất nước. Thật là xúc động với tình cảm chân chất, giản dị như ống cơm lam, sản vật của người dân Cao Bằng trong mâm lễ vật dâng người. Còn biết bao nhiêu thể hiện của người dân Nam Bộ, người dân thành phố Hồ Chí Minh, của đồng bào Tây Nguyên mang về đây viếng Đại tướng với những kỹ vật thấm đượm tình quê hương đất nước.
Gia đình Đại tướng với con cháu thường xuyên về đây, như về với chốn thân thương, các chiến sĩ biên phòng thực sự gắn bó với gia đình Đại tướng như đón người thân của mình trở về.
Ai đã một lần về đây viếng mộ Đại tướng đều không bao giờ quên được những ấn tượng sâu đậm. Mỗi lần tiếng chuông chùa ngân lên, trong lòng mình như có sự lan tỏa một sự linh thiêng dồn về. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống thường tâm niêm: “Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”. Cũng từ đó mà suốt trọn đời Đại tướng không ngơi nghỉ, vẫn làm việc để góp phần cho đất nước được thăng hoa, được thế giới cảm phục. Đại tướng để lại cho mọi người bài học đó là đức tính điềm tĩnh, tự tin vượt qua thử thách để khi về với đất mẹ tấm lòng bao dung, gần gũi, vượt qua thách thức vinh quang của Đại tướng vẫn sống mãi, đi vào những nhiệt huyết của tuổi trẻ, đóng góp cho những người lính soi mình vào tấm gương của Đại tướng để sống, chiến đấu, đứng vững trước mọi thử thách cuộc đời hôm nay và mai sau.
Phạm Xuân Lục