Đó là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động và cũng là bản chất cách mạng của bộ đội đặc công. Nhân kỷ niệm 46 năm ngày truyền thống bộ đội đặc công, phóng viên báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền, Chính ủy binh chủng.

PV: Là cán bộ đã trải qua chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên gian khổ ác liệt trong những năm chống Mỹ cứu nước; xin đồng chí cho biết những nét chính về truyền thống vẻ vang của bộ đội đặc công.

Chính ủy Trịnh Xuân Chuyền: Bộ đội đặc công, cách đánh đặc công là sản phẩm của chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao. Đó là sự kế thừa, phát triển cách đánh giặc, nghệ thuật quân sự độc đáo "Lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn" của dân tộc ta lên tầm cao mới trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng… Thời kỳ 9 năm chống Pháp, đêm 18 rạng ngày 19-3-1948, Đội du kích Tân Uyên đã bí mật tập kích tháp canh cầu Bà Kiên. Đây là trận đánh đặc công đầu tiên, với một lực lượng nhỏ bằng lối đánh bí mật bất ngờ, tiêu diệt gọn quân địch trong tháp canh, mở ra tiền đề cho việc tổ chức lực lượng chuyên đánh tháp canh, đồn bốt ở Nam Bộ. Đầu năm 1950, Phòng Tham mưu Khu 7 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm đánh tháp canh. Hội nghị thống nhất gọi cách đánh đặc biệt này là "công đồn đặc biệt", gọi tắt là "đặc công" và danh từ “đặc công” chính thức ra đời từ đó.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng đặc công được phát triển nhanh trong các lực lượng vũ trang cả nước. Bằng lối đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm, bộ đội đặc công đã đánh hàng chục trận, có những trận đánh xuất sắc như: Trận tập kích sân bay Gia Lâm đêm 4-3-1954 của bộ đội đặc công Hà Nội; tập kích sân bay Cát Bi đêm 7-1954 của bộ đội đặc công Hải Phòng; tập kích kho bom Phú Thọ Hoà đêm 31-5-1954 của đặc công Sài Gòn - Gia Định.

Từ sau phong trào Đồng khởi (năm 1960), thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân, trên 3 vùng chiến lược, lực lượng đặc công phát triển và trưởng thành nhanh chóng, được tổ chức trong các lực lượng trên khắp các chiến trường. Bộ đội đặc công đã kiên cường bám trụ chiến đấu, tổ chức nhiều trận đánh lớn vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy. Tiêu biểu như: Trận đánh khách sạn Ca-ra-ven (20-8-1964); trận tập kích toà Đại sứ quán Mỹ (30-5-1965) của đặc công biệt động Sài Gòn; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, bộ đội đặc công rất vinh dự được giao đánh trận then chốt thứ nhất trong chiến dịch Tây Nguyên. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội đặc công được giao đánh, chiếm, giữ 14 cây cầu quan trọng ở các cửa ngõ vào Sài Gòn, cùng với các lực lượng khác bảo đảm hành lang cho các quân đoàn chủ lực của ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Với nhiều chiến công và thành tích xuất sắc lập được, ngày 3-6-1976 Binh chủng Đặc công rất vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVTND” với 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời - Mưu trí táo bạo - Đánh hiểm thắng lớn”.

PV: Trong thời kỳ đổi mới, tình hình thế giới hết sức phức tạp, mau lẹ và khó lường. Đất nước gặp nhiều khó khăn và thử thách mới, như sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tình hình biên giới đất liền và hải đảo diễn biến phức tạp. Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ và quyết tâm của bộ đội đặc công hiện nay.

Chính ủy Trịnh Xuân Chuyền: Nhiệm vụ của bộ đội đặc công nói riêng và của toàn quân nói chung thường xuyên được bổ sung và phát triển cả về tổ chức, trang bị, kỹ thuật và chiến thuật. Điều đáng nói là nhiệm vụ của binh chủng ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”. Trước tình hình khu vực Biển Đông và quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, binh chủng được giao nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Binh chủng Đặc công là đơn vị đầu ngành chống khủng bố của toàn quân. Đáp ứng yêu cầu đó, binh chủng tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp gắn với nâng cao sức mạnh chiến đấu. Lấy chất lượng chính trị là cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng là trung tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt. Các đơn vị trong binh chủng, các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Quân chủng Hải quân đều có lực lượng chống khủng bố; mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc công luôn có lập trường chính trị đặc biệt vững chắc, kỹ thuật, chiến thuật đặc biệt thuần thục, kỷ luật đặc biệt nghiêm minh, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…

PV: Với áp lực huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cao, nguy hiểm và thường xuyên, liên tục, binh chủng có biện pháp gì để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội?

Chính ủy Trịnh Xuân Chuyền: Binh chủng Đặc công không có các doanh nghiệp và bất kỳ một hoạt động kinh tế nào. Các đơn vị đóng quân trải rộng trên địa bàn cả nước, chủ yếu ở vùng ven, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập nên việc chăm lo đời sống bộ đội có nhiều khó khăn. Song với chức năng là một binh chủng chiến đấu, chúng tôi đã làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trên các mặt công tác bảo đảm cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu… nhất là việc bảo đảm các chế độ chính sách như: phụ cấp đặc thù quân sự, hậu phương gia đình quân đội… đã được trên quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản cho một số cơ quan, đơn vị trong binh chủng. Đến nay, nhìn chung về nhà ở, nơi làm việc, cơ sở hạ tầng của các cơ quan, đơn vị, nhà trường ngày càng được bảo đảm tốt hơn, khang trang, chính quy, thống nhất hơn; cảnh quan môi trường luôn xanh - sạch - đẹp; đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh nhà, quanh doanh trại, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

… Do có thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện, 46 năm qua Binh chủng Đặc công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Bộ đội đặc công có 90 tập thể và 210 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, có 2 đơn vị được tuyên dương 3 lần, 3 đơn vị được tuyên dương 2 lần (ngày 14-3-2012, Binh chủng Đặc công rất vinh dự, tự hào lần thứ hai được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND).

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Tô Kiều Thẩm (thực hiện)