Việt Nam luôn giúp đỡ chí tình và sát cánh cùng Cam-pu-chia trong những thăng trầm, biến cố của lịch sử nước bạn đặc biệt là trong những giai đoạn đen tối nhất của đất nước Chùa tháp dưới chế độ Khơ-me Đỏ Pôn Pốt. Với nghĩa cử cao đẹp, vô tư, trong sáng, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia và của nhân dân Cam-pu-chia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân, đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Tiếp đó, Việt Nam đã hợp tác và hỗ trợ nhiều mặt góp phần để đất nước Cam-pu-chia hồi sinh, phát triển.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn coi trọng và mong muốn xây đắp, phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia. Những năm qua, quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước cũng đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành thành công việc phân giới cắm mốc Việt Nam - Cam-pu-chia, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Việt Nam rất vui mừng trước việc Cam-pu-chia đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 5 ngày 28-7-2013. Cùng với lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gửi thư, điện chúc mừng và bày tỏ sự tin tưởng rằng, trên cơ sở kết quả bầu cử, Quốc hội và Chính phủ mới ở Cam-pu-chia sớm thành lập để ổn định và phát triển đất nước, vì lợi ích của nhân dân Cam-pu-chia, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Thế nhưng, có những tuyên bố sai lệch nhằm kích động, gây chia rẽ tình cảm gắn bó, tốt đẹp giữa Việt Nam - Cam-pu-chia. Điều này đi ngược lại với nguyện vọng chung của hai dân tộc. Thật đáng buồn, ngay sau khi có kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 5 ở Cam-pu-chia, ông Xam Rê-xi, người đứng đầu Đảng Cứu nguy dân tộc Cam-pu-chia (CNPR) về thứ hai trong cuộc bầu cử này đã có những tuyên bố mang tính kích động trên một số phương tiện truyền thông quốc tế làm phương hại tới quan hệ hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam, đi ngược lại sự thật lịch sử. Cụ thể là phát ngôn của ông Xam Rê-xi nói rằng “Hà Nội từng lấn chiếm đất đai của Cam-pu-chia”.

Cần phải chỉ ra rằng, đây là một tuyên bố sai lệch, vô lý, nó không chỉ gây tổn hại tới mối quan hệ Việt nam-Cam-pu-chia, mà còn xúc phạm tới tình cảm thiêng liêng giữa nhân dân hai nước được tạo nên bằng cả máu xương và nước mắt.

Điều làm dư luận ngạc nhiên nữa là những luận điểm vô căn cứ khác, những luận điểm đi ngược lại sự thật lịch sử mà ông Xam Rê-xi đưa ra khi trả lời một tờ báo xuất bản bằng tiếng Hoa ở Cam-pu-chia được dẫn lại trên trang BBC tiếng Việt hôm 4-8, rằng: “Mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc”.

Thực là điều phi lý, chẳng ai có thể nghe được! Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để chứng minh và khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam luôn trước sau như một, quyết tâm giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trên cơ sở Công ước LHQ Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam luôn mong muốn hoà bình, cùng các nước láng giềng đóng góp vào hoà bình, ổn định và sự phát triển của khu vực. Mong muốn và nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ và thừa nhận. Là một nhà chính trị, chắc hẳn ông Xam Rê-xi có đủ hiểu biết về thực tế đó.

Dư luận đặt câu hỏi vậy những tuyên truyền mang tính kích động và những toan tính chính tri tầm thường đó để làm gì? Tất nhiên, ông Xam Rê-xi có quyền đưa ra những phát ngôn của mình, của Đảng Cứu nguy dân tộc Cam-pu-chia. Duy chỉ có điều nếu những tuyên bố ấy đi ngược lại sự thật lịch sử, mang tính khiêu khích, xúc phạm tới tình hữu nghị Việt Nam – Cam-pu-chia, thì chắc chắn sẽ không thể nhận được sự đồng tình của dư luận hai nước và quốc tế.

Cần vạch rõ rằng, những tiếng nói sai lệch, vô căn cứ và lạc lõng của ông Xam Rê-xi chỉ nhằm phục vụ cho toan tính chính trị tầm thường phải bị lên án và bác bỏ.

Thanh Lâm