Bởi lẽ, Đông Á trở nên rất quan trọng với thế giới về mặt phục hồi kinh tế, ổn định tài chính và tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Điều cực kỳ quan trọng là cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Đông Á thông qua ASEAN, vì chỉ duy nhất ASEAN có thể tạo ra cơ chế đối thoại và một tiến trình phối hợp làm nền tảng cho việc trao đổi quan điểm giữa các nước ASEAN với nhau, cũng như giữa ASEAN với các đối tác chủ yếu. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đầu tiên này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.

Điều đó thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam và khẳng định chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của Việt Nam. Mặt khác, nó cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định trong khu vực, đóng góp cho sự thành công chung của năm ASEAN Việt Nam với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”.

Việc hiện thực hóa ADMM+ sẽ giúp tăng cường quan hệ về mặt quốc phòng-an ninh trong nội bộ ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Đây là dịp tốt để các Bộ trưởng Quốc phòng giao lưu và bàn biện pháp hợp tác góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau đồng thời phát huy được các nguồn lực để đối phó một cách hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN cũng là Chủ tịch của ADMM, với tinh thần trách nhiệm cao nhất của mình,Việt Nam đã rất tích cực thúc đẩy hợp tác quốc phòng-quân sự ASEAN hướng vào các hoạt động thực chất, hiệu quả, mà một trong những trọng tâm là hiện thực hóa tiến trình thiết lập ADMM+. Đó là một cơ chế tham vấn và hợp tác cấp cao nhất của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân sẽ có đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực ASEAN nói riêng cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Đồng thời, bổ sung cho các cơ chế hợp tác khác hiện có trong khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…

Rõ ràng, ADMM+ một mặt là diễn đàn đối thoại chiến lược cấp bộ trưởng nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên thông qua chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc phòng-an ninh, tự nguyện thông báo chính sách quốc phòng của mỗi nước; mặt khác, đây là cơ chế để thúc đẩy hợp tác thiết thực thông qua việc chia sẻ và kết hợp nguồn lực, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của các nước nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên. Cơ chế hợp tác ADMM+ đảm bảo lợi ích an ninh mỗi nước và an ninh chung của khu vực.

Hội nghị ADMM+ tại Hà Nội được cho là hội nghị lịch sử bàn về các vấn đề hợp tác, phát triển. Vì thế, 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên do ASEAN đưa ra trong khuôn khổ ADMM+ gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình đã đạt được đồng thuận với các đối tác chủ chốt. Những lĩnh vực này là mối quan tâm chung, có thể hợp tác dễ dàng và hiệu quả, sẽ đóng góp cho hội nhập và hợp tác sâu rộng, tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác Đông Á đang nổi lên.

Với tinh thần và chủ trương đó, trên cương vị Chủ tịch ADMM+, Việt Nam đã chủ động tham vấn rất tích cực với các nước ASEAN cũng như các nước ngoài ASEAN và đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực của các nước. Hội nghị ADMM + với nội dung gồm: thông qua tài liệu đính kèm tài liệu ADMM+: Thể thức và Thủ tục, xem xét chương trình nghị sự và chương trình hoạt động dự kiến của ADMM+, xem xét tài liệu thảo luận của ADMM+ "Tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong ADMM+" lần thứ nhất; các nước cũng nhất trí với nội dung, ký Tuyên bố chung của Hội nghị; đề cập nước đăng cai Chủ tịch ADMM+ lần thứ hai và bàn giao chức Chủ tịch ADMM giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a.

Phải nói rằng, việc tổ chức thành công ADMM+ tại Việt Nam đã khẳng định sự đoàn kết, thống nhất cũng như quyết tâm của các nước ASEAN mở rộng hợp tác quốc phòng vì mục tiêu hòa bình và ổn định trong khu vực. Đồng thời, ADMM+ lần đầu tiên còn có ý nghĩa chính trị và lịch sử quan trọng; đánh dấu bước khởi đầu cho một cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh mới trong cấu trúc an ninh khu vực đang nổi lên hiện nay.

ĐÌNH ANH