Năm 1989, ông Phước từ Quảng Nam đưa con vào TP. Hồ Chí Minh học đại học. Nhớ đến người bạn đồng hương, ông lần theo địa chỉ đến thăm thì mới hay người bạn đã qua đời. Lúc này bà Một rất vất vả, hằng ngày mua gánh bán bưng để nuôi 6 đứa con nhỏ, lại nợ nần chồng chất. Tình cảnh đó khiến ông Phước cảm thấy xót xa, quyết định ở lại giúp đỡ bà Một qua cơn khốn khó. Ông Phước khuyên bà trở về quê nhà ở xã Thạnh Phú sinh sống, có vườn đất sản xuất. Khi bà đưa các con về quê, ông tình nguyện đi theo trợ giúp, vì “nhìn hoàn cảnh bà ấy tội nghiệp quá, tui không nỡ bỏ mặc như vậy để về Quảng Nam”. Thấy ông Phước thật lòng bày tỏ tình cảm nhiều lần, hứa chăm sóc các con như con ruột, bà Một đồng ý gá nghĩa vợ chồng với ông dù biết ông có vợ và 4 con ở quê, nhưng ra điều kiện: Tui không giựt chồng người ta, không phải vợ bé, vợ mọn, nếu đồng ý thì tui chịu”. Từ khi gặp bà Một đến lúc nên vợ chồng, ông Phước không có thông tin gì về quê nhà nên mọi người cứ tưởng ông đã mất tích.
Năm 1996, ông Phước cùng bà Một rời quê Thạnh Phú, xin vào làm Nông trường trồng khóm (dứa) Tân Lập (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) với số vốn có 3,6 triệu đồng. Gia đình ông Phước được cấp đất sản xuất, gạo ăn, giống má, phân bón… để trồng khóm. Ông Phước hoạch định tương lai cho từng đứa con của bà Một và dành dụm tiền bạc cho từng người đi học nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường. Sau 17 năm vất vả lao động, đến nay các con của bà Một đều đã thành đạt và luôn xem ông Phước như cha ruột của mình.
Hội CCB Tân Lập phát hiện ông có tài văn nghệ, nên năm 2005 cử ông đi dự cuộc thi Văn nghệ do Huyện hội Tân Phước tổ chức. Ông chỉ hát mỗi bài ruột là “Hò kéo pháo” và đoạt giải. Sau đó, Huyện hội lại cử ông đi dự thi cấp tỉnh và bài hát “Hò kéo pháo” đoạt giải nhì, được phát trên truyền hình Tiền Giang. Không ngờ, một người cháu của ông là Hoan, xem truyền hình thấy ông bèn gọi điện nhờ người quen truy tìm địa chỉ. Thế là sau 17 năm, ông bị lộ tung tích vì bài hát “Hò kéo pháo”. Khi ông về quê bà vợ cả chỉ nói: “Thôi, chuyện đã như vậy thì cứ để vậy, chứ không làm gì ầm”. Còn bà Một phân trần: “Tui nói nếu thích ông về Quảng Nam, còn ở đây thì tui lo hết, không thiếu thốn gì cả, tùy ổng quyết định”.
Bài và ảnh: Lê Hồng Lâm