Vì căm thù giặc Mỹ gây nhiều tội ác, các o xung phong vào dân quân và được thành lập đại đội pháo 85mm, rèn luyện và chiến đấu chẳng khác gì bộ đội. Nhận nhiệm vụ đỡ đầu cho "Xê gái" là "Xê trai" 7, thuộc Tiểu đoàn 13, Trung đoàn pháo binh 270.
Do yêu cầu khẩn trương, nên bộ đội và dân quân luyện tập ngày đêm. Các chàng pháo thủ có kinh nghiệm được phân công kèm cặp các o tân binh. Mới hai tháng nhưng các o đã thuần thục về lấy tầm, hướng, cự ly, bắt mục tiêu ban ngày và ban đêm. Chính nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của bộ đội C7 và ý chí cao của dân quân, nên ngày 7-2-1968, các o đã bắn cháy chiếc tàu chiến đầu tiên của giặc Mỹ. Sau đó, để mừng sinh nhật lần thứ 78 của Bác Hồ, "Xê gái" đã bắn thêm tàu khu trục. Trong 5 năm chiến đấu (1968-1972), đơn vị đã bắn chìm và bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen và về báo công với Bác tại Hà Nội, đại đội được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND. Chính từ những ngày gần gũi bên nhau huấn luyện và chiến đấu, không ít chàng pháo thủ bị các o dân quân "bắt mục tiêu". Gái miền biển vốn bạo dạn, thẳng thắn, trong tình yêu họ cũng không giấu cảm xúc của mình. Nhưng lời nói của đồng chí Chủ nhiệm chính trị trung đoàn là "cấm yêu" đã thành mệnh lệnh nên chẳng ai dám tỏ tình. Tuy vậy, sao cầm lòng được trước các cô gái Ngư Thuỷ này, nên sau 3 năm qua lại, khi ở trận địa pháo nóng bỏng, khi hội ý giao ban và đặc biệt là cả hai cùng được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của Quân khu 4, thì Thản và Đạt yêu nhau. Anh là Chính trị viên đại đội 7, đã trực tiếp chiến đấu nhiều trận, có kiến thức rất cơ bản, nên bày vẽ cho chị em rất dễ hiểu, mau thuộc. Thản quý Đạt ở đức tính thật thà, ít nói nhưng chiến đấu rất gan lỳ, dũng cảm. Trong tình yêu, Đạt nhút nhát, không dám cầm tay chị, chỉ dám tặng hoa xương rồng mọc đầy trên bờ cát. Năm 1970, khi cùng đi dự Đại hội thi đua "Hai giỏi" ở rừng núi chiến khu Ba Rền, câu trước Đạt ngỏ lời yêu, câu sau đã xin cưới. Thản bối rối vì bất ngờ, nói:
- Chiến tranh đang ác liệt, chúng mình còn bận chiến đấu, đợi đến hoà bình cưới chưa muộn mà anh!
Năm 1971, đơn vị của Nguyễn Hữu Đạt được lệnh đi B. Thương anh, chị đồng ý tổ chức đám cưới. Phòng cưới là căn nhà nửa nổi nửa chìm rộng rãi, được trang trí đơn sơ nhưng vẫn rất ấm cúng. Trên phông chính, dưới đôi bồ câu quấn quýt là câu khẩu hiệu đỏ chói "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Hoa và bánh kẹo đầy đủ, thuốc trà của trung đoàn gửi từ Hà Nội, toàn là Điện Biên và Tam Đảo bao bạc, chè Ba Đình. Đây là đám cưới sang nhất từ trước đến nay. Khách chủ yếu là bộ đội, dân quân và họ nhà gái. Vì đường xa hơn trăm cây số, bom đạn ác liệt nên nhà trai chỉ có 5 người vào dự. Trên chòi cao có dân quân canh máy bay, dưới hầm, bộ đội và dân quân thi nhau hát. Thản còn nhớ bài "Trên biển quê hương”, bộ đội và dân quân đồng ca vui ngây ngất. Tuần trăng mật chỉ vẻn vẹn 3 ngày thì anh theo trung đoàn vào Nam. Năm 1972, chị sinh con đầu lòng. Cháu bé chưa đầy một tuổi thì được tin anh hy sinh. Họ kể rằng đơn vị anh vào đến dốc Thơm (Khăm Muộn) thì bị B52 oanh tạc. Cả tiểu đoàn xe pháo bị vùi lấp, nhiều người hy sinh hoặc mất tích, trong đó có anh. Được rút lên công tác ở UBND huyện Lệ Thuỷ, chị cố nén thương đau, lấy công tác và đứa con trai làm niềm vui, khắc khoải và hy vọng mong manh đợi anh về. Đêm đêm chị ôm con ra ngoài hiên ngóng đợi anh. Năm 1975, miền Nam giải phóng, bộ đội ra Bắc nhiều, nhưng chẳng thấy anh về, chị càng lo. Cuối năm 1976, anh trở về, ba lô và quân phục bạc màu, vào khu tập thể huyện tìm chị. Cả cơ quan và bản thân chị vỡ oà niềm vui, ngập tràn hạnh phúc. Thằng bé bốn tuổi giờ mới biết mặt bố, anh phải đưa con búp bê nhựa mua tận Sài Gòn, nó mới đồng ý cho anh bế.
Trong ngôi nhà cấp bốn bình dị hiện nay ở vùng quê Lệ Thuỷ, gia đình hai người lính pháo đang sống hạnh phúc cùng ba người con đã trưởng thành. Người anh là sĩ quan quân đội và hai người em đều là giáo viên. Họ rất tự hào về bố mẹ và truyền thống "Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng" của Binh chủng Pháo binh anh hùng.
Bài và ảnh: XUÂN VUI