Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, chiều 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 40.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ tám và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV; thông qua Chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025; cho ý kiến về chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Tổng thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua về nguyên tắc đối với Pháp lệnh Chi phí tố tụng; quyết định bổ sung các dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong đó, Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ chín theo quy trình một kỳ họp đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ chín và thông qua tại Kỳ họp thứ mười đối với 3 dự án: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Phá sản (sửa đổi). Còn dự án Luật Luật sư (sửa đổi) sẽ xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình và 7 nghị quyết thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín. Các cơ quan cần khẩn trương rà soát, chuẩn bị hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 2-2025.

Chủ tịch Quốc hội giao Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan rà soát kỹ từng đầu việc, bảo đảm triển khai ngay các nội dung đưa vào Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, trước hết là chuẩn bị kịp thời nội dung cho phiên họp tháng 1-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản hoàn thành Chương trình công tác năm 2024. Một số nội dung chưa chuẩn bị kịp hoàn thiện để trình tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trong tháng 1-2025.

Trong năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất nỗ lực thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra, bảo đảm điều kiện, chất lượng các báo cáo, dự án trình Quốc hội. Bên cạnh các phiên họp thường kỳ, chuyên đề theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tiến hành nhiều phiên họp đột xuất, để khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, tạo tiền đề chuẩn bị về mọi mặt đưa đất nước sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2025 dự kiến có rất nhiều công việc lớn cần phải triển khai. Đây là năm cuối nhiệm kỳ, cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trước mắt, trong thời gian còn lại của tháng 12-2024 và 3 tháng đầu năm 2025, tập trung cao độ để xử lý một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi rất cao về tiến độ, đặc biệt là thực hiện sắp xếp, tinh gọn, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, trước hết là các cơ quan Trung ương, cần sớm hoàn thành trước Đại hội XIV của Đảng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong tháng 2-2025, dự kiến sẽ diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ chín, để sửa đổi các luật liên quan, phục vụ triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy. Tháng 1-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến một bước về các nội dung này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ khẩn trương, tăng tốc chuẩn bị tài liệu, bảo đảm tiến độ đã đề ra.

"Sau kỳ họp bất thường tháng 2-2025, chúng ta sẽ chỉ còn chưa đến 3 tháng để chuẩn bị cho Kỳ họp thường kỳ thứ chín. Do đó, các cơ quan cần tiếp tục chủ động đôn đốc, triển khai chuẩn bị các dự án, dự thảo sẽ được trình tại Kỳ họp thứ chín ngay từ bây giờ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành đang được giao chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết mà trong diện dự kiến tiến hành sắp xếp, cần phát huy trách nhiệm cao, thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm công việc được triển khai liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn cả trước, trong và sau khi sắp xếp, sáp nhập.

Bên cạnh đó, còn nhiều công việc cuối năm Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ phải thực hiện như: Tiến hành tổng kết hoạt động chung, công tác Đảng, Công đoàn năm 2024; tổng kết toàn quốc Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội; các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách, hộ nghèo. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động thực hiện công việc một cách tốt nhất.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan.

QĐND