Người dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa hè thu.

“Chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu héc-ta. đất trồng lúa này chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ khác, chứ không phải chỉ riêng đất trồng lúa. Nếu chúng ta bây giờ mà khai thác hết, không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu như có nhu cầu phát triển” - đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận trực tuyến trình Quốc hội về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 10 năm qua, diện tích đất trồng lúa giảm 202.930ha, chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ... Năm 2020, cả nước có 3,92 triệu héc-ta đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ lúa) có 3,18 triệu héc-ta. Để đảm bảo an ninh lương thực theo Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị và trên cơ sở quy mô dân số, phương pháp dự báo của FAO về an ninh lương thực, quy hoạch đến 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu héc-ta.

Quy hoạch sử dụng đất đai có vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước và tạo sự ổn định xã hội. Diện tích đất trồng lúa giảm có thể tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn xã hội và đảm bảo an ninh lương thực. Đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, lợi nhuận “khủng” từ chênh lệch giá đất trồng lúa nước và giá đất thổ cư khiến nhiều người muốn chuyển đổi đất trồng lúa sang đất thổ cư. Bên cạnh nỗ lực giữ đất lúa của các cấp, các ngành, ở nhiều địa phương đất “bờ xôi ruộng mật” vẫn biến mất, nhường chỗ cho khu công nghiệp, sân gôn, khu đô thị mới...

Trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt, có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất). Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác cũng không dễ chuyển lại thành đất lúa. Trong khi đó, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48.400ha), do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp...

Theo dự thảo quy hoạch của Chính phủ, diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348,77 nghìn héc-ta nhưng giảm tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng (101,8 nghìn héc-ta), vùng Đồng bằng sông Cửu Long (88,56 nghìn héc-ta)... và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp (trong đó có khu công nghiệp). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt trên đất lúa để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn là cần thiết, nhưng cần được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, quy hoạch vừa phải cụ thể để thực hiện nhưng phải bao quát, có tầm nhìn để tạo không gian phát triển, đồng thời phải rà soát, trao đổi thông tin thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo với quy hoạch ngành, vùng, các quy hoạch có liên quan và phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Bên cạnh đó, gắn kết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với phát triển kinh tế từ nguồn lực đất, tài chính đất đai để khai thác có hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm trong sử dụng đất - đây chính là cơ sở để xây dựng chính sách bền vững, vùng nông thôn, nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung.

Hồ Thanh Hương