Câu chuyện về mất cân bằng giới tính khi sinh là câu chuyện dài, ảnh hưởng nhiều đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đã được nhắc nhiều đến ở Việt Nam trong những năm qua và thời điểm hiện nay không là ngoại lệ.
Theo Bộ Y tế, chuyện mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay đang ở mức rất đáng báo động, khi đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Số tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao ngày càng nhiều; nếu năm 1999 chỉ có 28 tỉnh, thành phố thì hiện nay đã lên đến 40 tỉnh, thành phố. Điều đáng buồn là, trước đây quan niệm sinh nhiều con, sinh con trai chỉ ở các vùng nông thôn, vùng cao miền núi xa xôi thì nay có xu hướng ngược lại; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lại tập trung ở các tỉnh, thành phố phía Bắc; điển hình như Hưng Yên (130,7 bé trai/100 bé gái), Hải Dương (120,2 bé trai/100 bé gái), Bắc Ninh (119,4 bé trai/100 bé gái), nơi có trình độ dân trí cao như Hà Nội tỷ lệ này cũng lên tới 116 bé trai/100 bé gái… Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050 nước ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được phụ nữ để kết hôn, buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có nhiều, nhưng chủ yếu là do định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý sinh con trai để “nối dõi tông đường” còn nặng nề trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, việc làm của người phụ nữ; rất nhiều gia đình đã có 2-3 con gái, thậm chí là 4-5 hoặc nhiều hơn nhưng vẫn luôn cố bằng mọi cách để sinh được con trai khiến kinh tế gia đình sa sút, trẻ em thất học…
Thực hiện mọi biện pháp để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh một cách thường xuyên, liên tục đang là yêu cầu cần thiết hiện nay của xã hội ta. Bên cạnh các biện pháp của các cấp chính quyền và ngành y tế như thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống và trong lao động sản xuất, cấm lựa chọn giới tính thai nhi… thì vấn đề quan trọng không thể không thực hiện trong thực tế đời sống xã hội là công tác tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức của người dân để người dân quan tâm đến chất lượng dân số chứ không phải vấn đề giới tính để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Công tác tuyên truyền vận động về bảo vệ bà mẹ trẻ em, bình đẳng giới, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần tất cả các đoàn thể xã hội cùng vào cuộc, trong đó có Hội CCB các cấp để các đối tượng, không chỉ có phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà các bậc ông bà, cha mẹ, người chồng đểu hiểu và tích cực thực hiện để việc tiết giảm mất cân bằng giới tính khi sinh đi vào thực tế xã hội một cách bền vững.
Lan Hương