Cùng với đó, trong khi nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động, làm việc sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán cho nên lượng người đến với các lễ hội tăng đáng kể.

Việc tham gia các lễ hội, du xuân, lễ đình, chùa... là nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Có những lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham gia chỉ trong một ngày; có lễ hội truyền thống diễn ra nhiều tháng liền và thu hút được sự quan tâm của người dân đến từ khắp mọi miền đất nước và cả du khách nước ngoài... Chính vì vậy, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mùa lễ hội đang là vấn đề quan trọng, cần được các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện tốt.

Một trong những vấn đề được đặc biệt lưu ý là an toàn giao thông khi mà lượng người tham gia giao thông ngày càng nhiều để đến với các lễ hội. Ðây cũng là thời điểm dễ xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống tắc nghẽn giao thông. Ðể góp phần bảo đảm tốt giao thông, giúp người dân du xuân, tham gia lễ hội vui vẻ, an toàn, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cần triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trên các tuyến đường, những tuyến giao thông dẫn đến các lễ hội lớn. Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tăng cường lực lượng CSGT tại các điểm nóng về giao thông, các cung đường thường xảy ra tai nạn giao thông... Sự có mặt của CSGT trên các điểm nóng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của nhân dân và giảm thiểu tắc nghẽn giao thông. Người dân, nhất là thanh niên khi tham gia giao thông cần thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông như: đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh vượt ẩu, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông...

Mùa lễ hội cũng là thời điểm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như: gây rối trật tự công cộng, trấn lột, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật, móc túi... Ðây là những hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến không khí, nét đẹp của các lễ hội văn hóa đầu xuân và đời sống tinh thần, sự an toàn của du khách thập phương. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường các hoạt động giám sát, trấn áp các loại tội phạm này bằng những hoạt động thường xuyên, cụ thể và thiết thực. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch phòng, chống, ứng phó các vấn đề khác có thể xảy ra trong mùa lễ hội, nhất là cháy, nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, đó là người dân khi tham gia lễ hội cần có ý thức về bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, cần giữ gìn và phát huy các nét đẹp truyền thống của dân tộc tại các lễ hội, trong đó chú trọng thực hành tiết kiệm, tránh hiện tượng lãng phí và đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Theo NDĐT

(TH)