“Cả nước thống nhất tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2016-2017 vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 5-9-2016 - ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Lễ Khai giảng gồm hai phần: Phần Lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước…; phần Hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường…”.
Thực ra nội dung chỉ đạo trên không phải là mới. Những năm gần đây, nhiều Sở GDĐT, cùng nhiều trường phổ thông, đại học… đã đưa ra yêu cầu này. Có những nơi đã thực hiện tốt.
Song, trên thực tế còn nhiều trường học chưa làm tốt việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ. Bởi vậy chỉ đạo của Bộ GDĐT trước năm học mới 2016-2017 là cần thiết, rất hoan nghênh.
Hiện nay, nhiều trường học khi chào cờ, lẽ ra mọi người hát Quốc ca trực tiếp thì thay bằng việc mở bài hát ghi sẵn hoặc phát bản hòa nhạc Quốc ca. Có nơi, trong lễ chào cờ giao cho đội nghi thức làm luôn việc thể hiện Quốc ca bằng các nhạc cụ. Nghi thức chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào và trách nhiệm của công dân Việt Nam với Tổ quốc. Nếu các em học sinh quen hát, thuộc lời ca và giai điệu Quốc ca thì khi trưởng thành ra nước ngoài công tác, tại các nghi thức ngoại giao, đón tiếp trang trọng và nhất là khi cờ Tổ quốc được kéo lên ở các đấu trường Quốc tế, các em sẽ hát một cách tự nhiên, hãnh diện, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Còn với các CCB hầu hết đã trên dưới nửa thế kỷ hát Quốc ca, nên rất quen thuộc. Hơn nữa trong 12 bài hát quy định trong Quân đội thì bài Tiến Quân ca được xếp thứ nhất nên quân nhân nào cũng được tập hát và hát tốt. Điều quan trọng là ở các đơn vị tập trung, luôn luôn duy trì nền nếp chào cờ, hát Quốc ca vào đầu giờ sáng thứ hai hằng tuần. Nhưng hiện nay nhiều tổ chức Hội CCB ở cơ sở khi chào cờ vẫn mở sẵn băng hát Quốc ca nên khi chào cờ hát không đều, có người hát, có người không hát.
Thiết nghĩ, dù giọng của các CCB do tuổi tác, hát không còn vang ấm nữa nhưng trong lễ chào cờ khi kết nạp hội viên nên thống nhất hát Quốc ca trên nền nhạc hoặc không có nhạc. Không nên mở bài Quốc ca ghi hát sẵn. Nên chăng, chỉ trong các lễ Đại hội hoặc các hội họp lớn thì để tạo sự trang trọng và nghiêm túc khi chào cờ, có thể dùng lời hát ghi sẵn.
Rất mong Thường vụ BCH TƯ Hội CCB Việt Nam nghiên cứu thêm nghi thức chào cờ này, có sự chỉ đạo thống nhất trong Hội CCB cả nước.
Đào Văn Sử