Vợ chồng CCB, thương binh Võ Văn Hoàng.

Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện có 604 liệt sĩ, 63 Mẹ Việt Nam anh hùng, 277 thương binh và 59 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, trong đó có nhiều thương binh, bệnh binh là hội viên Hội CCB. Đa số các hộ thương binh đều có ý chí phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi, với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả thiết thực nên đời sống đều được ấm no, sung túc.

Trong số 123 thương binh là hội viên Hội CCB đã có 41 hộ giàu, 47 hộ khá, 35 hộ có mức sống trung bình, không còn hộ thương binh nghèo. Đồng chí Trịnh Văn Lớn - Chủ tịch Hội CCB huyện Tam Nông khẳng định: “Tôi và lãnh đạo Hội CCB huyện rất đồng tình và hoan nghênh quyết tâm của anh em CCB, thương binh đã khắc phục khó khăn, vượt lên mọi hoàn cảnh để thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh giỏi, ổn định cuộc sống... Trong đó có hai tấm gương CCB tiêu biểu là đồng chí Quận ở xã Phú Đức và đồng chí Hoàng ở xã Tân Công Sính. Đây là hai tấm gương sáng để cho những hội viên CCB toàn huyện học tập, noi theo. Hội CCB huyện sẽ tiếp tục phát động những thương binh, CCB học tập hai đồng chí Quận và Hoàng…”.

Theo giới thiệu của lãnh đạo Hội, tôi đến thăm gia đình CCB Huỳnh Văn Quận (sinh năm 1960) ở ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông. Dẫn tôi ra khu đất rộng phía sau nhà, ngay cạnh vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim - nơi ông trồng nhiều trụ thanh long ruột đỏ. Nhờ được chăm sóc cẩn thận nên các trụ thanh long đã cho thu hoạch nhiều đợt, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.  

Bên những trụ thanh long đang trổ bông, ông Quận kể: Ôngtham gia quân đội năm 1982, trong một lần cùng đồng đội tham chiến ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam, ông bị thương cụt mất chân phải. Đến năm 1984, ông xuất ngũ với chế độ thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61%. Lúc bấy giờ, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng CCB, thương binh Huỳnh Văn Quận quyết không cam chịu là gánh nặng của gia đình và xã hội. Bằng nguồn trợ cấp thương binh hằng tháng, cộng với vốn vay ưu đãi của ngân hàng, ông Quận cùng với vợ lao vào làm ăn, tăng gia sản xuất và chi tiêu tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình.  

Qua nhiều năm cần cù làm ruộng, trồng sen, mua bán và trồng thanh long ruột đỏ… đến nay, kinh tế gia đình thương binh, CCB Huỳnh Văn Quận đã ổn định, sung túc. Gia đình ông hiện sở hữu 10 công đất ruộng canh tác, mỗi năm 3 vụ lúa và 6 công đất vườn trồng thanh long ruột đỏ ở phía sau căn nhà tường cấp 4 vừa mới xây dựng xong, trị giá gần 400 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình thương binh Huỳnh Văn Quận có nguồn thu nhập từ ruộng lúa và vườn thanh long ruột đỏ trên 300 triệu đồng. Ba người con trai của ông Quận đều được học hành tới nơi, tới chốn.

Rời nhà thương binh Quận, tôi ghé nhà CCB, thương binhVõ Văn Hoàng ở ấp Cà Dăm, xã Tân Công Sính. Bên bàn trà, ông trò chuyện rất thân tình: “Tôi sinh năm 1930, quê ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tham gia bộ đội ở Tiểu đoàn 502. Vào năm 1968, tôi còn có tên là Bảy, đã cùng với đồng đội chiến đấu ác liệt với kẻ thù trong trận đánh ở Cả Bèo để chiếm khám đường Cao Lãnh. Không may, trong trận chiến đấu này, tôi đã bị thương, cụt mất chân trái…”.

Là thương binh, ông Hoàng rất tự hào vì đã cống hiến một phần thân thể cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày 30-4-1975, ông Hoàng cùng vợ rời quê nhà lên xã Tân Công Sính (còn gọi là Khu Tư) để khai phá đất hoang, lập thân, khởi nghiệp. Lúc bấy giờ, vùng đất Khu Tư rất khó sống bởi đất đai ở đây bị nhiễm phèn nặng, cỏ năn mọc dày đặc, những ngày mưa bão, lũ lụt thì vô cùng khủng khiếp…

Ông Hoàng bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, tôi được ông bà già vợ cho 10 công đất để làm lưng vốn lên xã Tân Công Sính làm ăn, lập nghiệp. Sau khi khai phá được 6ha đất hoang, vợ chồng tôi bắt tay vào canh tác lúa. Tưởng dễ, nào ngờ lúa sạ được gần nửa tháng đang lên xanh tốt, bỗng vài ngày sau lá bị đỏ đầu, đem phân rải xuống thì cây lúa từ từ lụi tàn rồi chết sạch... Năm nào đất cũng dậy phèn đỏ lòm, không loại cây nào sống nổi, chỉ có cỏ năn mà thôi, tiền của bao nhiêu chịu cho nổi với vùng đất hoang vu này. Đó là chưa kể chuyện sâu rầy, chuột bọ sinh sôi phá hại tràn lan. Rồi muỗi mồng, đĩa vắt vô số... Vì thế, nhiều người đến đây chỉ sau một, hai năm làm ăn thất bại đã khăn gói ra đi…”.

Trong bao gian khó, vợ chồng thương binh Võ Văn Hoàng luôn biết nương tựa nhau vừa làm ruộng, vừa tảo tần làm mướn, rồi tới mùa nước nổi thì thả lưới, giăng câu, hái rau, bắt ốc... và tiếp tục khai hoang, mở đất. Ròng rã hơn 7 năm quyết chí làm ăn, mỗi năm chuyển vụ được vài công ruộng để canh tác kiếm nguồn thu nhập ổn định… Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, đất đai của ông mới được thành khoảnh, sản xuất có lãi, vợ chồng ông lại chi tiêu tiết kiệm và mua sắm được phương tiện chuyên chở, máy móc hiện đại, phục vụ sản xuất và đời sống…

Sau nhiều năm cần cù, nỗ lực, ông xây dựng được căn nhà khang trang, rộng rãi, sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ông còn mua được 3 chiếc máy cày vừa làm đất ruộng nhà, vừa làm dịch vụ cho bà con. Với cách thức làm ăn khoa học nên mỗi năm, ông Hoàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thương binh Hoàng vui vẻ chia sẻ: “Ngày nay coi như gia đình tôi cũng tương đối có ăn. Cũng nhờ Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ tôi được thoải mái, sống khỏe, được đi an dưỡng nhiều nơi, vợ chồng tôi hết sức là mừng”.

Cũng như hai thương binh, CCB Võ Văn Hoàng và Huỳnh Văn Quận; bằng ý chí quyết tâm, bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, những CCB, thương binh huyện Tam Nông đã vượt qua mọi khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, bằng chính đôi tay, khối óc và con tim đầy nhiệt huyết của mình.

                    Trần Trọng Trung