Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội năm 1960.

Sau khi ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng trước một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chỉ 10 ngày sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, thù trong, giặc ngoài muốn bóp chết Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang trong thời kỳ "trứng nước”. Việc làm đầu tiên của Nhà nước Việt Nammới là phải củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng chế độ mới. ý thức được vấn đề đó nên chỉ một tuần lễ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ Cách mạng lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước và ngày 20-9-1945 ra Sắc lệnh thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp.

Trước ngày bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi, trong đó có đoạn viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Và “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Nói về ý nghĩa của Tổng tuyển cử, Bác Hồ viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức, đi gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Ngày bầu cử 6-1-1946, dưới các khẩu hiệu "Ủng hộ Tổng tuyển cử", "Đoàn kết chống xâm lăng", vượt qua mọi hành động chống phá của kẻ thù, hơn 90% cử chi trong cả nước, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nô nức cầm lá phiều đi bầu những đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Có 333 đại biểu khắp Bắc - Trung - Nam, tiêu biểu cho khối đoàn kết toàn dân được bầu vào Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử ở Thủ đô Hà Nội, với trên 90% số phiếu.  

Ngày 2-3-1946, tại phiên họp đầu tiên ở Hà Nội, Quốc hội nhất trí xác nhận thành tích của Chính phủ Lâm thời trong những ngày đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời lập ra Ban dự thảo Hiến pháp và thông qua danh sách Chính phủ chính thức, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Sau ngày bầu cử Quốc hội, khắp các địa phương từ tỉnh đến xã ở Trung Bộ và Bắc Bộ đều tiến hành bầu cử HĐND theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Ủy ban hành chính các cấp cũng được thành lập, thay thế cho các Ủy ban Nhân dân. Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân bước đầu được củng cố và kiện toàn.

Ý nghĩa chính trị và bài học vẫn còn giá trị đến hôm nay của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp Khóa I vô cùng to lớn: Biết dựa vào dân, “lấy dân làm gốc” thì việc gì khó khăn đến mấy cũng thành công. Phát huy dân chủ vừa là cốt lõi vừa là truyền thổng của cuộc cách mạng ở nước ta. Thành công của cuộc Tổng tuyển năm đầu tiên năm 1946 là một đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ, lật đổ và xâm lược của đế quốc và tay sai. Thắng lợi đó góp phần nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ và nghĩa vụ của mỗi người công dân đối với nhà nước cách mạng.

Cuộc Tổng tuyển cử là một cuộc vận động chính trị rộng lớn, biểu lộ sức mạnh và ý chí sắt đá của khối đoàn kết toàn dân. Mặt khác, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử và bầu cử HĐND tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể khẳng định Quốc hội Khóa I (1946-1960) là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân, là mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ ở Việt Nam. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh gay go quyết liệt, vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của Cách mạng. Quốc hội Khóa I ban hành được 11 luật trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, vừa thực hiện từng bước cải cách dân chủ. Quốc hội Khóa I đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu, bước đầu đưa miền Bắc đi lên CNXH, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Ngày nay vị thế, cơ đồ, tiềm lực đất nước ta khác nhiều với năm 1946. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn, thách thức, có thời cơ nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ. Chúng ta chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử bầu cử Quốc hội Khóa I vẫn còn nóng hổi và nguyên giá trị. Phát huy thành công và kinh nghiệm của những cuộc bầu cử các khóa trước, tin rằng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này vào ngày 23-5-2021 sẽ thành công tốt đẹp. Tin rằng Quốc hội Khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, được nhân dân cả nước tín nhiệm, tin yêu và trao trách nhiệm, đưa đất nước ta lên tầm cao mới “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”  như Bác Hồ hằng mong muốn.

Đào Hồng