Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì luật định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa cả hai phương án: Xem xét, giải quyết tại tòa; thu thuế thu nhập cá nhân để Quốc hội thảo luận, lựa chọn.
Nghe ra càng thảo luận, vấn đề càng có vẻ đi vào ngõ cụt và thấy khó trong tổ chức thực hiện, nên thậm chí, có ý kiến ngay trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đề xuất lập cơ quan kiểm soát độc lập, tốt nhất là thuộc Quốc hội...
Tóm lại vẫn còn khó!
Nhân việc khó này, chúng ta lại nhớ ngày xưa, chỉ sau đúng 2 tháng 21 ngày lập nước, thì ngày 23-11-1945, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 gồm 8 Điều và chỉ vỏn vẹn có 389 từ - 30 dòng khổ giấy A4. Nhưng Sắc lệnh lại có những quy định mà hiếm có một sắc lệnh nào về phòng, chống tham nhũng lại cụ thể, rõ ràng, nghiêm khắc, có tác dụng phòng ngừa đến thế.
Ví dụ, “Điều I: Chính phủ sẽ lập ngay một Ban Thanh tra đặc biệt, có uỷ nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ; Điều II: ...Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử; Tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Tòa án đặc biệt... Điều VI: Tòa án đặc biệt có toàn quyền định ấn, có thể tuyên án tử hình; những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ...”.
Cùng “chống giặc nội xâm” mà sao ngày xưa “các cụ nhà mình” bàn và quyết nhanh thế. Bây giờ khó thật!
Huy Thiêm